Để giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh. Theo đó, có nhiều điểm nghẽn cần nhanh chóng tháo gỡ để khu vực này chuyển đổi xanh thành công, dẫn dắt cả nước cùng chuyển đổi.
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 IDICO – Đồng Nai.
Nhận diện điểm nghẽn
Là khu vực dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng có tiềm năng và động lực để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, bao gồm cả vốn đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào các lĩnh vực xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương tại đây, tình hình thu hút đầu tư xanh thời gian qua chưa đạt kỳ vọng do vấp phải nhiều điểm nghẽn.
Chia sẻ tại hội thảo “Thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ” tổ chức cuối tuần qua tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sau hơn 20 năm chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, nhưng đến nay, quá trình này vẫn chưa đạt kỳ vọng, chất lượng còn khiêm tốn, chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, hiện đại từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự hạn chế này là do thiếu các tiêu chí để xác định thế nào là một dự án đầu tư xanh. “Thời gian qua, Đồng Nai định hướng lựa chọn các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động, nhưng đến nay không có một cơ sở nào để đánh giá các tiêu chí trên. Do đó, việc lựa chọn thời gian qua chủ yếu là dựa vào cảm tính” – bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết.
Ngay cả việc triển khai khu công nghiệp sinh thái cũng gặp không ít khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai có một khu công nghiệp được lựa chọn phát triển thành khu công nghiệp sinh thái, nhưng sau gần 3 năm đến nay vẫn chưa thể hoàn chỉnh. Mặc dù Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã đưa ra các tiêu chí đối với khu công nghiệp sinh thái và các hồ sơ thủ tục để được công nhận, nhưng khi bắt tay vào làm thì vẫn có nhiều vướng mắc. Ví dụ đối với tiêu chí về quan hệ cộng sinh của DN trong khu công nghiệp sinh thái, theo bà Hoàng, cần có một bộ quy trình, hướng dẫn kỹ thuật cho DN để triển khai.
Đại diện các địa phương trong vùng như TPHCM, Bình Dương… cũng nêu lên vướng mắc liên quan đến việc thiếu tiêu chí để xác định dự án xanh trong thu hút đầu tư. ThS. Cao Minh Nghĩa, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Phát triển kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xanh hiện chưa đồng bộ do đang trong quá trình xây dựng. Do đó, đến nay vẫn chưa có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các địa phương, người dân và DN thực hiện đầu tư xanh. Một khó khăn khác đặt ra đối với đầu tư xanh hiện nay là nhận thức của DN và người dân chưa đầy đủ. Nguyên nhân là DN, người dân và ngay cả các tổ chức trong nước thiếu thông tin về lĩnh vực này.
Là một DN trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, ông Đinh Ngọc Thuận, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) cho biết, từ cách đây khoảng 10 năm, Sonadezi đã hướng đến đầu tư xanh bằng cách triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, trồng thêm nhiều cây xanh trong khu công nghiệp… DN này cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như ưu đãi về giá, vị trí cho nhà đầu tư “xanh”, có công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động, nước thải bảo đảm…
Tuy nhiên, theo ông Thuận, việc thu hút DN đủ tiêu chuẩn là rất khó bởi DN nào cũng mong muốn đầu tư nhanh để hoàn vốn. Bên cạnh đó, các dự án công nghệ cao thường có xu hướng tập trung về các trung tâm lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, trong khi chính sách ưu đãi lại cào bằng dẫn tới các khu công nghiệp nằm ở địa bàn khó thu hút được đầu tư xanh.
Cải cách ở quy mô vùng để hút đầu tư xanh
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đánh giá, ở thời điểm hiện tại, động lực tăng trưởng kinh tế từ hội nhập đang giảm dần do không nhiều dư địa để khai thác các thị trường quốc tế. Do đó, cần chuyển hướng khai thác từ chính nội lực, đó là chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.
Để thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ, theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, trước hết cần tăng cường nhận thức về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và đầu tư xanh. Đồng thời, cần có chương trình khung về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” bởi các quy định hiện nay đang nằm phân tán tại nhiều văn bản khác nhau. Bên cạnh đó là các giải pháp về tài chính, như tín dụng xanh, cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh; chính sách thuế, hình thành các thị trường tín chỉ carbon. Còn ở góc độ vùng, phải có cơ chế liên vùng, cải cách môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực… song song với chính sách cụ thể để khuyến khích DN đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh.
ThS. Cao Minh Nghĩa đề xuất nên chia đầu tư xanh thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ nay đến năm 2026; giai đoạn 2 từ 2027-2030; giai đoạn 3 từ 2031 trở về sau. Ở giai đoạn 1 với tính chất là vận động, khuyến khích, hỗ trợ để DN và các tổ chức khi có nhu cầu đầu tư thì phải lựa chọn chuyển đổi sang đầu tư xanh. Ở giai đoạn 2, các DN, tổ chức khi muốn đầu tư thì bắt buộc phải lựa chọn đầu tư xanh, kèm theo đó là những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Giai đoạn 3 là áp dụng đại trà đầu tư xanh đến tất cả các DN, tổ chức.
“Đầu tư xanh cần thực hiện theo từng bước với những lộ trình khoa học, chiến lược. Bên cạnh đó, nhà nước cũng phải xây dựng các chính sách để hỗ trợ DN tham gia đầu tư xanh. Có nhiều loại hình để hỗ trợ, như hỗ trợ về khoa học công nghệ, về nguồn nhân lực và quan trọng nhất là hỗ trợ về vốn” – ThS. Cao Minh Nghĩa nêu ý kiến.
Các chuyên gia đánh giá, vùng Đông Nam Bộ có nhiều thuận lợi để thực hiện tốt đầu tư xanh, như vị trí địa lý, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng…, đặc biệt là việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào vùng. Hiện nay, TPHCM có lợi thế hơn các địa phương khác trong vùng bởi Nghị quyết 98 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Do đó, để thực hiện tốt đầu tư xanh, TPHCM cần phải chủ động đi trước, phát huy vai trò đầu tàu của mình. Nhưng quan trọng hơn hết là TPHCM cần phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, chiến lược liên quan đến đầu tư xanh một cách đồng bộ trên toàn vùng; đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:
TS Nguyễn Đình Cung. |
Chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu
Trong những năm gần đây, dù Đông Nam Bộ vẫn giữ được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng động cơ đang yếu dần. Do đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh là yêu cầu tất yếu. Sự thành công của Đông Nam Bộ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ giúp cả nước cùng chuyển đổi. Mặc dù các địa phương trong vùng đã từng bước thay đổi tiêu chí về thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc hơn, nhưng xét về tổng thể vẫn chưa có nhiều thay đổi bởi việc phát triển kinh tế vẫn thiên về mục tiêu tăng trưởng 7%-8% mà ít chú ý đến cách thức tăng trưởng thế nào để đạt được mục tiêu đó.
Hiện Đông Nam Bộ đã có áp lực và nguồn lực, nên cần tạo động lực để thúc đẩy sự chuyển đổi của vùng, do đó cần tháo bỏ các điểm nghẽn. Phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Cần có sự phối hợp trong toàn vùng khi triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường như xử lý rác, ô nhiễm không khí, nước, chất thải rắn… để có quy mô đủ lớn, tạo động lực cho nhà đầu tư có quan tâm và mang lại hiệu quả.
Các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần liên kết, phối hợp thực hiện tăng trưởng xanh. Cần một “hội đồng vùng” để thống nhất chỉ đạo thực hiện vấn đề này và nhiều vấn đề liên kết phát triển khác. Cần có một thể chế phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng xanh; cần tiêu chí chung về vấn đề này… Đây là những việc rất cần các ngành các cấp từ Trung ương xem xét, giải quyết, tháo gỡ để tạo nhận thức chung, từ đó có hành động chung. Hiện nay, phạm vi ưu đãi đã khác, ngành nghề ưu đãi, chế độ đầu tư đã khác nhưng từ năm 2005 đến nay Việt Nam chưa có sự thay đổi về tư duy, chính sách ưu đãi. Truyền thông phải vận động nhiều hơn cho một hệ thống tư duy, công cụ chính sách ưu đãi mới, phải thay đổi các luật liên quan mà đầu tiên là luật khuyến khích ưu đãi đầu tư và các luật khác.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia:
TS Trần Du Lịch. |
Cần cơ chế riêng cho Đông Nam Bộ
Những vấn đề về phát triển kinh tế xanh cho vùng Đông Nam Bộ cần được bàn sâu ở cấp Hội đồng điều phối vùng. Những chính sách, giải pháp mà Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ đưa ra phải được triển khai đồng bộ ở tất cả địa phương trong vùng thì mới mang lại hiệu quả cao nhất.
Hiện Đông Nam Bộ vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư hiện nay, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, vùng cũng cần giải quyết tốt bài toán về hạ tầng và nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chip bán dẫn, khu vực Đông Nam Bộ đang thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực. Trong tương lai, nếu có DN nước ngoài đầu tư xây dựng những trung tâm thiết kế về chip bán dẫn tại Đông Nam Bộ thì rõ ràng nguồn nhân lực của chúng ta không đáp ứng được.
Để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong phát triển kinh tế xanh cho vùng Đông Nam Bộ, cần áp dụng cơ chế riêng, tương tự như áp dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 cho TPHCM. Qua các buổi làm việc của TPHCM với các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, có thể thấy các nhà đầu tư đang hướng tới vùng Đông Nam Bộ. Vấn đề là chúng ta cần có chính sách đúng nghĩa để mời gọi, thu hút nhà đầu tư chất lượng cao.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM:
Ông Nguyễn Đức Lệnh. |
Thúc đẩy tín dụng xanh
Cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày càng hoàn thiện và tạo điều kiện để mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh. Ở góc độ quản lý, chủ trương và chính sách của NHNN đã và đang khuyến khích các tổ chức tín dụng tích cực tham gia cho vay các dự án xanh, phát triển tín dụng xanh và ngân hàng xanh trong tổng thể chiến lược phát triển ngành, gắn liền với phát triển nền kinh tế xanh của Chính phủ bằng các chỉ thị, chỉ đạo và chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Ở góc độ nghiệp vụ, xét về bản chất tín dụng, tín dụng xanh không có sự khác biệt nhiều so với tín dụng thông thường, nếu có chủ yếu đó là sự phân biệt gắn với việc phân loại dư nợ tín dụng theo mục đích của dự án, phương án vay vốn, đó là: dự án sản xuất kinh doanh xanh và dự án sản xuất kinh doanh thông thường. Do vậy, về mặt kỹ thuật, xem xét thẩm định cho vay một dự án xanh, phương án sản xuất kinh doanh xanh không khác nhau nhiều, về cơ bản vẫn là dựa trên quy chế cho vay theo quy định của NHNN. Vấn đề chủ yếu là nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào và các chính sách về phát triển kinh tế xanh; các tiêu chí, tiêu chuẩn và thông tin về môi trường cũng như đánh giá rủi ro môi trường; đánh giá hiệu quả của dự án, phương án xanh của cơ quan quản lý nhà nước… làm nguồn thông tin, dữ liệu để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng phân tích, đánh giá, thẩm định cho vay dự án xanh; cũng như xây dựng quy trình tín dụng phù hợp và các biện pháp quản lý, quản trị rủi ro hiệu quả.
Đây là những thông tin cần thiết và nếu có thông tin đầy đủ, chính xác và có tính pháp lý sẽ là yếu tố thúc đẩy tín dụng xanh mở rộng và tăng trưởng hiệu quả trong thời gian tới. Thực tế, các tổ chức tín dụng hoạt động trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ đã và đang cho vay dự án, phương án sản xuất xanh, trong đó có các dự án về năng lượng xanh; các dự án về công nghệ sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án rau sạch; sản phẩm bảo vệ môi trường… Mặc dù dư nợ tín dụng chưa cao, song việc cho vay này là cơ sở nền tảng để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng và tăng trưởng hoạt động tín dụng xanh có hiệu quả.
PGS TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing:
PGS TS Phạm Tiến Đạt. |
5 Giải pháp thu hút đầu tư xanh hiệu quả
Để thu hút có hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xanh vào Đông Nam Bộ, trước tiên cần làm rõ khái niệm và nội hàm của yếu tố “xanh” trong hoạt động đầu tư. Việc có nhiều cách hiểu và quan niệm khác nhau về khái niệm “xanh”, “đầu tư xanh” đã cản trở nhiều chủ thể tham gia vào đầu tư xanh. Chính quyền địa phương ở các tỉnh Đông Nam Bộ cần có sự thống nhất trong cách hiểu và lựa chọn khái niệm xanh để có những chính sách khuyến khích và thu hút nguồn lực vào đầu tư xanh có hiệu quả. Trong đó, khái niệm xanh cần theo thông lệ quốc tế nhằm tránh những khó khăn cho hoạt động đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức của DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức trung gian tài chính và cơ quan quản lý chính quyền địa phương về phát triển bền vững. Thứ ba, xác định rõ các lĩnh vực để thu hút đầu tư xanh phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, trong đó chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, cắt giảm khí thải là quan trọng để phát triển bền vững kinh tế của vùng.
Thứ tư, tăng cường hợp tác công – tư trong các lĩnh vực, dự án được lựa chọn triển khai đầu tư xanh để thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Đầu tư công xanh vào cơ sở hạ tầng có thể khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như hỗ trợ cho việc đầu tư vào công nghệ carbon thấp.
Thứ năm, hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh và đầu tư xanh. Khuôn khổ pháp lý cần đáp ứng được yêu cầu về chất và lượng, làm rõ được phương pháp đo lường lợi ích môi trường của các dự án đầu tư xanh. Chính sách tài chính, các quy định về tín dụng xanh cũng cần hoàn thiện hơn. Xem xét các chính sách ưu đãi về thuế cho các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân có các dự án đầu tư xanh để thu hút đầu tư. Các chính sách trợ cấp, hỗ trợ cần được tính toán, sử dụng có hiệu quả, tránh việc sử dụng quá rộng rãi dẫn đến không bền vững về mặt tài chính, ngân sách của địa phương cũng như ngân sách trung ương.
(Theo Hải quan online)