29/05/2023

Cây xanh và những lợi ích đem đến cho môi trường

Từng ngày, trái đất đang phải chịu những hậu quả nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường. Trồng cây xanh như một hành động giúp xoa dịu trái đất bởi nhiều lợi ích mà chúng đem lại cho môi trường sống quanh ta.

Mỗi người chúng ta, nếu ai đang quan tâm đến môi trường đều biết hiện nay trái đất đang gặp phải một căn bệnh mang tên ô nhiễm môi trường. Và tại Việt Nam thì căn bệnh này có diễn biến nặng nề.

Vì vậy, việc trồng cây xanh như một hành động giúp cho trái đất ngày càng trở nên tốt hơn, bảo vệ sức khỏe con người trước những tác động rất xấu do tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra.

Tuy nhiên, theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam đang ở mức thấp, chỉ từ 2-3m2/người.

Hiện nay, chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20-25m2/người. Trong khi đó, việc trồng cây xanh tại Việt Nam chưa được thực hiện đúng mức đồng thời tại các khu rừng đầu nguồn bị tàn phá khiến hiện tượng lũ quét và biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.

Dưới đây là một số lợi ích của cây xanh đối với môi trường mà chúng tôi đã tổng hợp được để chia sẻ đến cho bạn.

Giảm ô nhiễm môi trường

Như chúng ta đã biết, cây xanh là nguồn cung cấp sự sống cho con người thông qua việc quang hợp. Trồng nhiều cây xanh sẽ giúp một lượng lớn khí oxy được tạo ra phục vụ cho việc hô hấp của con người và các loài động vật.

Mỗi một cây xanh trung bình có thể cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho 4 người. Và cùng lúc đó, cây cũng sẽ hấp thụ một lượng CO2, amoniac, SO2, Nox, bụi bẩn… từ đó làm giảm các khí độc hại bị thải ra môi trường, giúp không khí trở nên trong lành hơn.

Theo Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, một cây xanh có tán rộng – lớn có thể cản được 10 – 30 kg bụi, nhờ đó nồng độ bụi thổi qua một cây xanh có thể giảm đi 20% – 60%.

Ngoài ra, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ không khí khác như: Anhydrid, Sunfua, Fuo, Amoniac từ quá trình quang hợp.

Bên cạnh đó, cây xanh còn sản xuất các ion âm, có khả năng hấp thụ những chất dạng hạt lơ lửng và thanh lọc nguồn không khí. Đặc biệt, cây xanh có thể chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước.

Giữ nước và chống xói mòn đất

Rễ của cây có tính thấm hút nước tốt. Vì vậy, khi đến mùa mưa bão, cây có thể giúp giữ nước, cản trở quá trình chảy của dòng nước cũng như sức gió.

Tình trạng bão, lũ lụt, xói mòn đất do nước chảy mạnh từ đó cũng được hạn chế. Bên cạnh đó, lượng nước do rễ cây giữ lại có thể được tái tạo và trở thành các mạch nước ngầm.

Hệ thống rễ cây đâm sâu giúp đất tơi, xốp hơn, nhờ đó mà khi mưa lớn, nước sẽ thẩm thấu nhanh góp phần giảm tình trạng ngập úng tại đô thị.

Tại những nơi như trung du và miền núi, cây xanh giữ vai trò chủ chốt trong điều hòa dòng chảy. Rễ cây cũng tạo cho đất kết cấu chắc chắn hơn, giảm xói mòn, sạt lở khi mưa lớn.

Nhờ hệ rễ tạo ra khoảng trống trong đất, hệ rễ cây góp phần dự trữ mạch nước ngầm cho mùa khô, tán lá rộng lớn của cây xanh có khả năng điều tiết nhiệt độ, giảm sự bốc hơi nước, cải thiện tình trạng hạn hán ở nhiều nơi.

Giảm nhiệt

Cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm nhiệt đô thị. Trồng nhiều cây xanh ở các khu dân cư sẽ giúp cho không khí trong lành hơn và tạo bóng mát ngăn chặn ánh nắng mặt trời, hạn chế tác hại của các bức xạ mặt trời.

Cây xanh có tán đủ lớn có tác dụng che nắng và bảo vệ các bề mặt phía dưới cây không bị hấp thụ bởi bức xạ mặt trời.

Vì các bề mặt này không bị nung nóng nên sẽ không tỏa nhiệt trở lại môi trường. Nhờ vậy mà giúp cho nhiệt độ không khí xung quanh trở nên dịu mát hơn. Trung bình, cây có thể ngăn tới 80% lượng bức xạ mặt trời truyền tới.

Ngoài ra, lá cây cũng sử dụng ánh sáng mặt trời để quang hợp. Vì vậy mà cây cũng hấp thụ các khí thải, bụi bẩn độc hại từ các xe cộ, quán ăn, nhà máy… và nhiệt từ chính con người tỏa ra, giúp giảm bớt nhiệt.

Tiết kiệm năng lượng

Theo một số nghiên cứu, nếu trồng khoảng 3 cây xanh quanh 1 ngôi nhà đúng cách, chúng ta sẽ cắt giảm được 50% nhu cầu sử dụng điều hòa. Một cây có thể làm giảm nhiệt, dịu mát cho 10 phòng.

Bằng cách giảm bớt nhu cầu sử dụng năng lượng, chúng ta không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn giảm bớt được một lượng CO2 đáng kể được thải ra từ các nhà máy sản xuất điện.

Giúp cân bằng hệ thống sinh học

Hiện nay, do thiên tai và việc chặt phá rừng trái phép đã khiến diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Nhiều động vật hoang dã rơi vào trạng thái mất nhà, thiếu thức ăn. Vì vậy mà một số đã di chuyển xuống các khu dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.

Trồng cây gây rừng không chỉ là cách để bảo vệ môi trường, chống lại thiên tai mà còn giúp duy trì sự sống cho các sinh vật trong rừng.

Từ đó góp phần giảm thiểu sự tuyệt chủng của các loài động vật, cải thiện sự cân bằng hệ thống sinh học cũng như giúp con người bớt bị xáo trộn do ảnh hưởng của việc di cư động vật xuống phố.

Ngoài ra, việc bảo tồn cây xanh đặc biệt là cây cổ thụ ở các địa phương sẽ góp phần bảo tồn nguồn gen thực vật, làm phong phú sự đa dạng sinh học ở vùng miền.

Ngọc Thiện tổng hợp

Bài viết liên quan