02/01/2024

Chú trọng trồng rừng tạo lợi thế tham gia vào thị trường tín chỉ carbon

Tỉnh Quảng Bình có diện tích rừng tương đối lớn với 590.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng 68%, đứng thứ hai cả nước. Trữ lượng và chất lượng rừng của tỉnh Quảng Bình khá cao nên có lợi thế cạnh tranh, tiềm năng và cơ hội lớn khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.

Những năm qua, việc trồng rừng và giữ rừng đã được người dân và các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm.

Chú trọng trồng rừng tạo lợi thế tham gia vào thị trường tín chỉ carbon
Cánh rừng đã được trồng gỗ quý hiếm của ông Nguyễn Đức Sự ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Nhiều năm qua, ngày nào ông Nguyễn Đức Sự (thôn Tấn Tiến, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) cũng dành thời gian để vào chăm sóc cây trong khu rừng của mình. Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Đức Sự thực hiện mục tiêu trả lại màu xanh cho những ngọn đồi ở xã Cao Quảng bằng những giống cây bản địa như: lim, sưa, táu, gõ… Hiện nay, những cây con lớn lên khỏe mạnh, vững chãi, hơn 5.000 cây gỗ lớn đã bao phủ hơn 3 ha đất trống, đồi núi trọc.

Ông Nguyễn Đức Sự chia sẻ, trước đây những ngọn đồi này chủ yếu trồng cây keo, song cây keo dễ gãy đổ, ảnh hưởng môi trường đất và không mang tính bền vững của rừng. Với quyết tâm hồi sinh những cánh rừng bằng những giống cây bản địa. Suốt 5 năm miệt mài trồng, chăm sóc, đến nay những cây bản địa đã phủ xanh những ngọn đồi, góp phần tăng độ che phủ của những cánh rừng ở xã Cao Quảng.

“Mỗi lần vào rừng, thấy cây ngày càng lớn theo năm tháng, rừng xanh tươi, tôi cảm thấy rất vui mừng. Để có được những cánh rừng cây bản địa phải mất 20 – 30 năm và đến đời con cháu chúng ta sẽ thụ hưởng lợi ích từ rừng. Với việc trồng các cây bản địa, nhất là các cây dược liệu dưới tán rừng sẽ góp phần đa dạng sinh học giữa rừng. Khi cây lớn, rừng càng thêm xanh, độ ẩm ngày càng cao, nước đầu nguồn càng nhiều. Chúng ta cần nước sạch để uống, cần không khí sạch để thở thì phải chăm sóc và bảo vệ rừng”, ông Sự cho biết.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, địa phương có diện tích rừng và độ che phủ rừng lớn. Những cánh rừng cây bản địa không phải trồng để bán gỗ, song nhiều nhiều hộ trồng rừng đã có thu nhập tốt từ việc thu sản phẩm phụ của rừng bằng cách trồng cây ngắn ngày, dược liệu dưới tán rừng…

Xã Cao Quảng đang đặt mục tiêu độ che phủ rừng đạt 90%, nâng dần diện tích rừng tự nhiên và giảm bớt diện tích rừng trồng. Hiện địa phương cũng vận động người dân vừa bảo vệ phát triển rừng, trồng cây bản địa mang tính bền vững để lâu dài, tạo tín chỉ carbon đưa ra thị trường.

Thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân bảo vệ và trồng rừng gỗ lớn bằng những giống cây bản địa, qua đó góp phần phát triển rừng bền vững. Cây giống bản địa như: lim, dổi, sưa.. được chính quyền địa phương và các tổ chức hỗ trợ 100% đến tay người trồng.

Mỗi năm tỉnh Quảng Bình thực hiện kế hoạch trồng mới khoảng 9.000 ha rừng tập trung và hàng triệu cây phân tán, nhằm tiếp tục giữ vững, nâng cao độ che phủ rừng. Theo lộ trình, đến năm 2025, vùng rừng trồng nguyên liệu của tỉnh Quảng Bình có hơn 100.000 ha; trong đó, diện tích rừng gỗ lớn trên 16.200 ha.

Diện tích rừng ngày càng mở rộng sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai; ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát triển môi trường sống trong cộng đồng dân cư cũng được nâng cao. Ngoài ra, phong trào trồng cây phân tán trong cộng đồng dân cư cũng được các địa phương chú trọng thực hiện nhằm tạo bóng mát, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Quảng Bình sẽ chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn carbon rừng và được phân bổ khoảng 235 tỷ đồng. Riêng năm 2023, tỉnh Quảng Bình được chi trả 82,4 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng.

Theo ông Mai Văn Minh, tham gia thị trường tín chỉ carbon rừng sẽ giúp các chủ rừng nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ, mở ra cơ hội mới để người dân phát triển kinh tế bằng giữ rừng trong khi việc khai thác lâm sản dưới tán rừng đang rất khó khăn.

Để hướng tới thị trường carbon năm 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình sẽ điều tra, đánh giá trữ lượng để có số liệu tương đối chính xác, sau đó thương lượng với các tập đoàn, tổ chức để bán tín chỉ carbon, mang lại nguồn thu cho địa phương.

(Theo Thông tấn xã Việt Nam)

Bài viết liên quan