20/12/2023

CropLife Việt Nam đồng hành với chính sách phát triển nông nghiệp bền vững

Nhiều chiến lược quan trọng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững đã được Việt Nam đưa ra trong thời gian qua. Đặc biệt, sự chuyển đổi từ tập trung tăng năng suất sang việc ưu tiên chất lượng, gia tăng giá trị, hiệu quả, và sự thích ứng với biến đổi khí hậu… là những động lực, nền tảng quan trọng với sự tham gia của các đối tác trong chuỗi giá trị, trong đó có CropLife.

CropLife Việt Nam đồng hành với chính sách phát triển nông nghiệp bền vững- Ảnh 1.
Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam

Đây là những chia sẻ của ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam khi nói về những hoạt động gắn với phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Ngành nông nghiệp đang được đánh giá là “bệ đỡ kinh tế” Việt Nam, theo nhìn nhận của ông đây có thể là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn không?

Ông Đặng Văn Bảo: Việt Nam đang nổi lên như một địa điểm quan trọng trong bức tranh toàn cầu về lương thực và thực phẩm. Rất nhiều chủ trương và chiến lược quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững đã được Chính phú Việt Nam đưa ra và áp dụng trong thời gian qua, trong đó sự đổi mới trong nông nghiệp được xác định là yếu tố cốt lõi, với sự chuyển đổi từ việc tập trung chỉ vào năng suất sang việc ưu tiên chất lượng, gia tăng giá trị, hiệu quả, và sự thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những động lực và nền tảng quan trọng đối với sự tham gia và đóng góp của các đối tác trong chuỗi giá trị, trong đó có CropLife.

Chúng tôi tin rằng nông dân là trung tâm của mọi hệ thống sản xuất lương thực và là nhân tố chính quyết định sự phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo quyền truy cập đầy đủ, kịp thời và công bằng của nông dân đến những giải pháp và công cụ canh tác tiên tiến nhất hiện nay. Họ cần trở thành chủ thể và sử dụng những công cụ này một cách có trách nhiệm và hiệu quả để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Làm được những điều này sẽ không chỉ giúp nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất nông nghiệp đối với môi trường, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đồng thời việc tái tạo môi trường sống và duy trì sự đa dạng sinh học.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những dự định CropLife Việt Nam tới đây sẽ hợp tác với Bộ NN&PTNT để thúc đẩy ứng dụng KHCN trong nông nghiệp được không ạ?

Ông Đặng Vănn Bảo: Trong tháng 11 vừa qua, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) và Hiệp hội CropLife Châu Á đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy ứng dụng giải pháp công nghệ sinh học trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2028. Trên cơ sở hợp tác này, cùng với Vụ KH-CN-MT, CropLife sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin, tư vấn chính sách, đào tạo tập huấn và hội thảo khoa học chuyên sâu để chia sẻ, khuyến khích ứng dụng các giải pháp, thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến trong nông nghiệp, cũng như hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học mới trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam.

Trước đó vào tháng 7/2023, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Croplife Châu Á cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Chương trình Khung quản lý thuốc BVTV bền vững hay còn gọi là chương trình SPMF. Theo đó, CropLife sẽ tối đa hoá nỗ lực của ngành, tăng cường hợp tác với nhiều đối tác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy triển khai khung sử dụng và quản lý các giải pháp bảo vệ thực vật bền vững song song với việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp. Chương trình này sẽ tiếp tục thể hiện cam kết của CropLife trong việc hỗ trợ Chính phủ và Bộ NN&PTNT Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang các hệ thống lương thực và môi trường bền vững hơn để bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và nâng cao chất lượng nông sản.

CropLife Việt Nam đồng hành với chính sách phát triển nông nghiệp bền vững- Ảnh 2.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng” giúp các hộ dân giảm nhiều chi phí sản xuất – Ảnh: Croplife Việt Nam

KHCN luôn được coi có tính tiên phong mạnh mẽ, những rào cản khi ứng dụng KHCN vào một nền nông nghiệp còn nhiều manh mún mà CropLife Việt Nam gặp phải là gì?

Ông Đặng Văn Bảo: Một số rào cản mà chúng tôi gặp phải trong thời gian qua khi giới thiệu và thúc đẩy ứng dụng giải pháp khoa học thực vật trong nông nghiệp tại Việt Nam như:

Các công nghệ tiên tiến thường đi kèm với chi phí đầu tư ban đầu cao, khiến cho việc áp dụng, nhân rộng các giải pháp này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Canh tác nông nghiệp của Việt Nam là theo mô hình canh tác quy mô nhỏ (theo nông hộ) trong khi việc triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị/ chuỗi liên kết khép kín còn hạn chế. Do đó, việc tổ chức triển khai ứng dụng khoa học công nghệ gặp nhiều khó khăn, khó tận dụng hiệu quả các nguồn lực và xây dựng tính đồng bộ.

Những thách thức về cơ sở hạ tầng cũng rất đáng kể khi ở nhiều vùng nông thôn, kết nối internet yếu, điện năng không ổn định, điều kiện đất đai không thuận lợi khiến cho việc triển khai những công cụ canh tác mới như drone hay tiến hành số hoá gặp rất nhiều khó khăn.

Việc triển khai một số quy định và chính sách hiện chưa rõ ràng đối với việc quản lý và sử dụng các sản phẩm và công nghệ khoa học trong nông nghiệp. Cần có sự quan tâm của cơ quan nhà nước để xây dựng hệ thống chính sách khuyến khích đổi mới nông nghiệp dựa trên khung pháp lý minh bạch, có cơ sở khoa học, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

CropLife và các công ty thành viên đang nỗ lực để giải quyết những thách thức này bằng cách hỗ trợ tập huấn, đào tạo, tư vấn kỹ thuật, và tham gia vào quá trình đối thoại với cộng đồng nông dân, cơ quan quản lý và các bên liên quan khác trong chuỗi giá trị để cùng hướng tới mục tiêu chung đó là thúc đẩy ứng dụng đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Ông có kỳ vọng gì vào việc hợp tác với các đơn vị làm chính sách về nông nghiệp của Việt Nam?

Ông Đặng Văn Bảo: Nền nông nghiệp trên toàn thế giới đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng khó khăn. Với số lượng dân số dự kiến đạt 9 tỷ người vào năm 2050, gánh nặng của ngành nông nghiệp là phải sản xuất đủ lượng lương thực để nuôi sống số lượng dân số này với nguồn tài nguyên hiện có mà không gây ra các tác động nặng nề tới môi trường.

Là một trong những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, Việt Nam càng chịu nhiều tác động hơn trước ba thách thức toàn cầu hiện nay là đảm bảo an ninh lương thực, biến đổi hậu và mất đa dạng sinh học để có thể duy trì hệ thống lương thực bền vững. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới cũng là một trong những điều kiện khiến sâu bệnh hại dễ phát triển nhanh chóng và nghiêm trọng, gây ra mất mùa, ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân.

Trước những thực trạng này, chúng tôi hy vọng sẽ có thể hỗ trợ người nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn nữa thông qua các cơ hội được đối thoại với Bộ NN&PTNT và phối hợp với mạng lưới đối tác ngành nông nghiệp ở cấp địa phương đồng thời triển khai nhiều hơn nữa những hoạt động nhằm hỗ trợ Việt Nam đối mặt với các thách thức chung hiện nay. Chúng tôi tin rằng, quy định pháp lý minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học, sẽ giúp thúc đẩy và đảm bảo tính hiệu quả của nhiều hoạt động và Bộ NN&PTNT đóng vai trò rất lớn về khía cạnh này.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ NN&PTNT để đảm bảo thực hiện các chương trình đã ký kết phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất, đồng thời phối hợp với các bộ ngành khác để hỗ trợ ngành nông nghiệp một cách sâu rộng và đa dạng hơn nữa, đồng thời hy vọng Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đối thoại cởi mở với chúng tôi và mong muốn các chương trình hợp tác với CropLife nêu trên sẽ tạo ra những sự thay đổi tích cực và lâu dài ở Việt Nam.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

CropLife là một Hiệp hội của các công ty hàng đầu thế giới về phát triển công nghệ trong nông nghiệp. CropLife hoạt động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học thực vật và các giải pháp khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Tại Việt Nam, CropLife và các công ty thành viên (bao gồm Adama, BASF, Bayer, Corteva, FMC, Sumitomo, SummitAgro, Syngenta, UPL) luôn cam kết hỗ trợ và triển khai các chiến lược dài hạn giúp hơn 25 triệu nông dân ứng dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học trong canh tác nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, cải thiện năng suất cây trồng, tạo ra nông sản chất lượng cao trong khi hạn chế tối đa các tác động tiêu cực lên môi trường.

(Theo Báo Điện tử Chính phủ)

Bài viết liên quan