19/10/2023

Doanh nghiệp xanh đem sản phẩm ‘made by Việt Nam’ ra thế giới, đem về doanh thu hàng chục triệu USD

Xu hướng tiêu dùng và yêu cầu của các thị trường về sản xuất kinh doanh bền vững đang ngày càng cao, nếu doanh nghiệp Việt không tham gia sẽ có nguy cơ bị mất cơ hội để tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế cho thấy, có những doanh nghiệp tiên phong đi đầu đã thu về những “trái ngọt” đầu tiên.

Thành lập năm 2018 tại Kon Tum, công ty thảo dược Tây Nguyên (DATO) hiện liên kết với 200 nông hộ, trong đó hơn 60% là đồng bào dân tộc Xê Đăng sống quanh chân núi Ngọc Linh để trồng, sản xuất và chế biến các sản phẩm từ thảo dược và gia vị bản địa.

Con đường hứa hẹn phía trước

Bà Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc DATO cho hay, sản phẩm hiện đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị như AEON, Big C, Co.op Mart và các cửa hàng đặc sản trên toàn quốc. Chia sẻ với VnBusiness, bà Huệ cho biết năm 2022, doanh thu của công ty đạt khoảng 5 tỷ đồng. Con số dù chưa phải là lớn nhưng con đường phía trước chắc chắn rất rộng mở.

-6165-1697190787.jpg

Phát triển theo mô hình kinh doanh bền vững sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, tạo sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số ở địa phương.

“Các sản phẩm trà thảo dược của chúng tôi được thị trường đón nhận và đặc biệt là chúng tôi đã tạo sinh kế bền vững cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt hướng tới hỗ trợ cho chị em người dân tộc tại địa phương, góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng, giúp bảo tồn nguồn dược liệu quý giá tự nhiên”, bà Huệ chia sẻ.

Dự định sắp tới của DATO là đẩy mạnh kênh phân phối nội địa và hướng tới xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới. “Chúng tôi cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định, chế biến thành những sản phẩm sâu, tạo giá trị gia tăng nhiều hơn từ cây trồng bản địa”, bà Huệ nói.

Đó là con đường của DATO, còn với công ty GreenJoy, bà Phan Thị Khánh, nhà sáng lập của đơn vị này lại say sưa kể về câu chuyện biến những ngọn cỏ bàng ở Đồng bằng Sông Cửu Long thành các sản phẩm thân thiện môi trường như ống hút, túi xách.

Bà Khánh cho biết, hơn 80% sản phẩm của GreenJoy đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, Mỹ. Mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 2-3 container, thu về hàng tỷ đồng.

Được biết hơn 100 nông dân và người dân địa phương tham gia chuỗi giá trị của Green Joy được nâng cao thu nhập gấp 3 lần, trong đó 70% là phụ nữ, đặc biệt là người nội trợ, phụ nữ lớn tuổi và các chị em không có khả năng tìm việc cạnh tranh tại địa phương.

Tuy vậy, bà Khánh cũng bày tỏ nỗi trăn trở rằng, trong khi người tiêu dùng nước ngoài hồ hởi đón nhận các sản phẩm thủ công thân thiện môi trường, thì người Việt vẫn còn khá dè dặt, một phần do sản phẩm cao hơn nên khó cạnh tranh, ví dụ ống hút bằng cỏ bàng có giá cao gấp 3 lần ống hút nhựa. Theo đó, trong thời gian tới, Green Joy đang cố gắng giảm giá thành, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền để giúp nhiều người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của mình hơn.

Hỗ trợ đưa sản phẩm ‘made by Việt Nam’ ra thế giới

Trong khi đó, ở lĩnh vực công nghệ, ông Hân Nguyễn – CEO Công ty CP Truyền thông Đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia), hồ hởi chia sẻ với VnBusiness về các giải pháp bảo vệ bản quyền tiên phong mà doanh nghiệp này tạo ra, đi cùng cam kết tiết kiệm điện cho người sử dụng. Trong đó, Sigma Multi – DRM kaf là 1 trong 20 giải pháp bảo vệ bản quyền trên thế giới, được chấp nhận bởi các hãng phim lớn của Hollywood. Sản phẩm đã được các hãng truyền hình hàng đầu như FPT, VTVcab, Viettel… và cả quốc tế như Nuace Communications Akiamai Jungo TV.

“Những sáng kiến này đã giúp công ty mang về doanh thu hàng triệu USD/năm. Chúng tôi kỳ vọng thêm những con số lớn hơn”, ông Ngân cho biết.

Tại Diễn đàn “Tiên phong tinh thần doanh nhân, kiến tạo Việt Nam bền vững” vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, đánh giá doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh và từng bước khẳng định vai trò, vị thế không chỉ ở trong nước, mà còn vươn ra thị trường thế giới với nhiều sản phẩm đang dần khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới. Đây sẽ là những doanh nghiệp điển hình, lan tỏa tinh thần tiên phong, góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của sản phẩm “Made by Việt Nam” trên trường quốc tế.

“Đồng thời, lực lượng doanh nghiệp tiên phong cũng đóng vai trò trụ cột, dẫn dắt, tạo “đòn bẩy” để phát triển nhiều ngành, lĩnh vực, qua đó đưa nền kinh tế Việt Nam tự chủ, hướng tới phát triển bền vững”, Thứ trưởng ghi nhận.

Chia sẻ về bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định, nền kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định và tiếp tục duy trì chuyển biến tích cực, tuy nhiên, phía trước vẫn còn rất nhiều rủi ro và thách thức.

“Một trong các thách thức lớn hiện nay là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Xu hướng tiêu dùng và yêu cầu của các thị trường về sản xuất kinh doanh bền vững đang ngày càng cao. Với gần 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, do hạn chế về quy mô, năng lực, trình độ quản trị…, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ và đầu tư thích đáng cho kế hoạch và chiến lược kinh doanh bền vững, dẫn đến nguy cơ bị mất cơ hội để tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Thứ trưởng nhận định.

Theo đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao một lực lượng doanh nghiệp chủ động đổi mới sáng tạo đón bắt xu hướng, tiên phong đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng dụng công nghệ cao, áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thải carbon, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững và cam kết Net Zero carbon của Chính phủ Việt Nam vào năm 2050. Đây chính là những ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

“Tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động có các giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại, tận dụng và nắm bắt thời cơ để đưa doanh nghiệp lớn mạnh, góp phần chung vào phát triển đất nước. Các doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tính tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ,… nhằm nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp do mình làm chủ, tăng cường liên kết để nâng tầm vị thế sản phẩm Việt, chủ động tham gia chuỗi giá trị bền vững”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT bày tỏ.

(Theo VnBusiness)

Bài viết liên quan