22/12/2023

Giảm phát thải khí nhà kính: Cần sớm chuyển đổi Xanh ngành vật liệu xây dựng

Để đưa phát thải ròng về “0,” các doanh nghiệp cần phải có các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, sớm chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Giảm phát thải khí nhà kính: Cần sớm chuyển đổi Xanh ngành vật liệu xây dựng

Nhấn mạnh sản xuất ximăng, gạch xây nung và sử dụng vật liệu xây dựng trong các toà nhà là hai nhóm nguồn phát sinh khí nhà kính lớn nhất trong ngành Xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng để đạt được cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, thời gian tới, việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam cần phải thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm; giảm và thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sớm nhất có thể.

Sản xuất ximăng phát thải lớn nhất

Tại Hội thảo “Chuyển đổi Xanh ngành công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải” do Báo Xây dựng phối hợp với Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa tổ chức chiều 22/12, tại Hà Nội, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho hay ngành Xây dựng hiện đang đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính.

Thứ nhất là nguồn phát thải khí nhà kính thông qua các phản ứng hóa học từ quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng (phần lớn là từ sản xuất ximăng, khí nhà kính phát thải trong quá trình nung clinker).

Nguồn hai từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hoá thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại thuộc nhóm phát thải năng lượng. Thực tế cho thấy hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, ximăng sử dụng một lượng lớn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, đất sét.

Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại cũng đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia, thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp.

Ngoài ra, theo ông Ngọc Anh, ngành Xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay cácbon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các toà nhà, công trình; phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển…

san-xuat-vat-lieu-xay-dung-3424.png

“Hai nhóm nguồn phát sinh khí nhà kính lớn nhất trong ngành Xây dựng là sản xuất vật liệu xây dựng và phát thải trong các toà nhà,” ông Ngọc Anh nói.

Nêu dẫn chứng, ông Ngọc Anh cho biết thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Kết quả kiểm kê do cơ quan này thực hiện từ năm 2014 đến nay cho thấy tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 101,89 triệu tấn.

Trong số trên, theo ông Ngọc Anh, nguồn phát thải lớn nhất là từ hoạt động sản xuất ximăng chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014; đến năm 2022, tỷ trọng phát thải tăng lên khoảng 90%.

Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm sản xuất xi măng là cao nhất. Cụ thể trong năm 2014, hoạt động sản xuất ximăng phát thải 47,64 triệu tấn CO2 tương đương; đến năm 2022, lượng phát thải tăng lên 91,93 triệu tấn.

Trong khi đó, sản xuất gạch xây nung có tỷ lệ phát thải năm 2014 là 5,73 triệu tấn CO2 tương đương và 4,22 triệu tấn CO2 tương đương, năm 2022; sản xuất vôi công nghiệp năm 2014 có lượng phát thải 4,1 triệu tấn CO2 tương đương và 2,9 triệu tấn CO2 tương đương, năm 2022.

Doanh nghiệp cần khẩn trương Xanh hóa

Trước thực trạng trên, Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh thời gian tới cần phải có các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để Xanh hóa ngành sản xuất vật liệu xây dựng, Xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng; góp phần Xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam.

Giảm phát thải khí nhà kính: Cần sớm chuyển đổi Xanh ngành vật liệu xây dựng
Doanh nghiệp cần đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng, hợp lý hóa các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030 của Bộ Xây dựng đã ban hành, thời gian tới, các đơn vị cần thực hiện nhiệm vụ ưu tiên về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhằm đảm bảo quy định pháp luật về kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

“Đến nay, với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế và tư vấn trong nước, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện chúng tôi cũng đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Dự kiến, văn bản sẽ ban hành vào năm 2024,” ông Ngọc Anh nói.

Ông Ngô Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam cũng nhấn mạnh môi trường và biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp thiết mang tính báo động chung toàn cầu, đòi hỏi về việc phải thay đổi và giảm thiểu phát thải khí nhà kính đang là yêu cầu bắt buộc ở mọi lĩnh vực.

“Vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải xác định tầm nhìn mới và khẩn trương ‘chuyển mình’ trong công tác chống biến đổi khí hậu,” ông Khánh nói.

Tuy vậy, ông Khánh cũng lưu ý việc đạt được tính bền vững là một hành trình dài và đầy thách thức, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần vạch ra lộ trình rõ ràng và cụ thể để tối ưu nguồn lực và nắm bắt cơ hội để xây dựng lộ trình chuyển đổi Xanh doanh nghiệp.

“Việc thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính được xem là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp nhận định số liệu phát thải của bản thân, từ đó làm cơ sở để nhà quản trị hoạch định chiến lược giảm phát thải bền vững,” ông Khánh nhấn mạnh./.

(Theo Báo Vietnamplus)

Bài viết liên quan