19/10/2023

Khánh Hòa và mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch này, tỉnh tiến tới các mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Mục tiêu đến năm 2030 cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2045 cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP bằng 0.

Các mục tiêu xanh hóa

Thực hiện kế hoạch trên, tỉnh Khánh Hòa sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Tích cực xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị, dân cư nông thôn đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom là 100% và xử lý tại khu chôn lấp họp vệ sinh hoặc tại các nhà máy đốt, nhà máy chế biến rác thải là 90%; phấn đấu tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt 15%; 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%; nghiên cứu thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững.

Đến năm 2050: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị, dân cư nông thôn đạt 100%; phấn đấu tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt 20%; 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 50%; có 01 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững.

Giai đoạn tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ thúc đẩy xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt ít nhất 70%. Đến năm 2050: Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%.

Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2030 cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP giảm ít nhất 15%

10 nhiệm vụ

Cụ thể hóa kế hoạch, tỉnh Khánh Hòa xác định 10 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Giai đoạn 2023- 2030, tỉnh sẽ tích hợp tăng trưởng xanh vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội các ngành, lĩnh vực, lãnh thổ phù hợp với tình hình thực tiễn. Cập nhật tích hợp tăng trưởng xanh hướng đến mục tiêu PTR0 vào năm 2050 cho giai đoạn mới.

Phối hợp đánh giá, cung cấp cơ sở dữ liệu cấp địa phương về tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất, thiệt hại để đánh giá tác động kinh tế – xã hội của biến đổi khí hậu, thiên tai, đa thiên tai cấp quốc gia. Tích hợp kết quả đánh giá vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các kế hoạch liên quan đến huy động nguồn lực và phân bổ ngân sách cấp địa phương theo thẩm quyền.

Triển khai văn bản quy định về hệ thống giám sát và đánh giá tăng trưởng xanh cấp quốc gia; thực hiện chế độ báo cáo thực hiện Chiến lược, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Triển khai các Văn bản pháp luật quy định về hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) (sau khi có hướng dẫn của Trung ương).

Phối hợp thực hiện kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính và phát thải các chất ô nhiễm không khí các cấp theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật, đảm bảo tích hợp đồng bộ với hệ thống giám sát và đánh giá tăng trưởng xanh cấp quốc gia (Cao). Phối hợp xây dựng các cơ sở dữ liệu: (1) tăng trưởng xanh quốc gia; (2) nền địa lý quốc gia; (3) tăng trưởng xanh các ngành, địa phương trên cơ sở sử dụng dữ liệu nền địa lý quốc gia và tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu cấp quốc gia. Phối hợp xây dựng, số hóa Hệ thống quản lý, giám sát đánh giá tăng trưởng xanh cấp tỉnh.

Tỉnh cũng xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hội nhập và hợp tác quốc tế: Tích cực tham gia, tổ chức hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực, phối hợp nghiên cứu chuyển giao công nghệ thực hiện tăng trưởng xanh; nghiên cứu, đề xuất với các đối tác phát triển về các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho tăng trưởng xanh; hỗ trợ kết nối các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài; chủ động phối hợp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như các thách thức đối với thực hiện tăng trưởng xanh.

(Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Bài viết liên quan