27/10/2023

Mở lối cho ngân hàng xanh

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2017 trở lại đây, tín dụng xanh tăng trưởng bình quân 23%/năm. Hai lĩnh vực hút vốn xanh nhiều nhất là năng lượng tái tạo và nông nghiệp. Các chuyên gia tính toán, để đi tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần huy động nguồn lực lên tới 144 tỷ USD, điều này đặt ra vấn đề phải tìm cách khơi thông các dòng vốn xanh…

Ngoài ngân sách, Việt Nam cần huy động thêm 144 tỷ USD để đạt mục tiêu NET ZERO.
Mở lối cho ngân hàng xanh

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050. Thực hiện mục tiêu này, theo báo cáo triển khai kết luận Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng 0 giai đoạn 2021-2050, Việt Nam cần huy động thêm 144 tỷ USD, tương đương khoảng 2,2% GDP. Với nhu cầu vốn lớn như vậy, cần những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy các dòng tài chính xanh, trong đó có tín dụng xanh.

Tín dụng xanh tăng trưởng bình quân 23%/năm

Ông Justin Ma, Giám đốc cấp cao Tài chính bền vững khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết những năm gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định và ngày càng tăng trong các khoản phát hành và vay tài chính bền vững ở châu Á và trên toàn cầu.

Thống kê cho thấy, năm 2022, hơn 1,49 nghìn tỷ USD các công cụ nợ bền vững đã được phát hành, nâng tổng khối lượng thị trường bền vững lên hơn 5,4 nghìn tỷ USD. Ông Justin Ma cho biết trong số 1,49 nghìn tỷ USD, phổ biến nhất (xét về quy mô phát hành) bao gồm: trái phiếu xanh (38%, 573 tỷ USD); các khoản vay liên kết bền vững – SLL (28%, 423 tỷ); trái phiếu bền vững (10,5%, 157 tỷ USD).

Tương tự như vậy, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), trái phiếu xanh (44%, 172 tỷ USD); SLL (21%, 80 tỷ USD); trái phiếu bền vững (9%, 34 tỷ USD).

Riêng tại Việt Nam, dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm.

Đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh mà Ngân hàng Nhà nước định hướng các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%).

Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2,485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đánh giá hành lang pháp lý tại Việt Nam đang dần hoàn thiện để tạo điều kiện cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh phát triển.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 theo Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015; rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng – ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, cơ quan này cũng đưa các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Khoản 1 Ðiều 4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016; theo đó, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

“Các tổ chức tín dụng cũng thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho biết.

Vẫn chờ quy định chi tiết về môi trường và năng lượng tái tạo

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song, ông Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng.

Theo đó, việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế. Một số ngân hàng rất chủ động, tiên phong nhưng số khác lại chậm chân. Có ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này…

Mở lối cho ngân hàng xanh - Ảnh 1

“Hiện nay chúng ta vẫn chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính xanh. Trên cơ sở một danh mục phân loại xanh quốc gia với các tiêu chí môi trường rõ ràng thì tỷ trọng đóng góp của ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều con số tín dụng xanh hiện tại”, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết thêm.

Các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy, các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay trong khi Việt Nam thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Đại diện cho Agribank, ngân hàng chủ lực trong việc triển khai tín dụng nông nghiệp xanh, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Ban Định chế tài chính của Agribank, đưa ra 4 kiến nghị với các bộ, ngành nhằm mở “xa lộ” cho ngân hàng xanh.

Thứ nhất, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan ban ngành sớm ban hành bộ tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Việc có các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường đối với các dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường là cần thiết đối với các tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan…

(Theo VnEconomy)

Bài viết liên quan