08/01/2024

Quảng Nam khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc triển khai chính sách này đã giúp ngành nông nghiệp tỉnh hình thành vùng chuyên canh, chuỗi sản xuất và tạo ra sản lượng hàng hóa chất lượng và ổn định đầu ra sản phẩm.

Quảng Nam khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp
Xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Điện Trung thu hoạch lúa đặc sản T100 và ST24.

Gần ba năm nay, tỉnh Quảng Nam có 75 dự án liên kết lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi được triển khai. Các chương trình liên kết đã thu hút 78 hợp tác xã và 72 doanh nghiệp tham gia; hơn 17.000 hộ dân tham gia, các dự án tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi.

Liên kết tạo vùng chuyên canh lúa giống, lúa thương phẩm

Để hình thành vùng chuyên canh lúa ST24, hợp tác xã nông nghiệp Điện Trung ở xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn có 70 hộ dân là thành viên cùng 90 hộ nông dân hợp tác ký hợp đồng với nông dân định kỳ ba năm. Hợp tác xã có 20 ha được cấp mã vùng trồng và sản xuất lúa ST24 theo quy trình nghiêm ngặt về thời gian gieo sạ, giống lúa, bón phân, theo dõi dịch bệnh…

Sau hai năm thành lập và cùng liên kết sản xuất, mỗi năm hợp tác xã thu hoạch 50-60 tấn lúa ST24 và chế biến thành thương hiệu gạo Gò Nổi. Đến nay sản phẩm gạo Gò Nổi đạt chuẩn 3 sao OCOP và được thị trường đón nhận.

Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Điện Trung Nguyễn Văn Hoằng cho biết: Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất hai vụ lúa ST24, trong đó vụ chính đông xuân và vụ hè thu làm mô hình ít hơn. Sản lượng đạt từ 50-60 tấn lúa, với giá 9.000 đồng/kg lúa khô, sau khi chế biến, giá gạo Gò Nổi chuẩn 3 sao OCOP cung ứng cho nhà phân phối 20.000-25.000 đồng một kg. Hợp tác xã thu mua cho nông dân cao hơn thị trường nên nhà nông tham gia yên tâm vì có nơi tiêu thụ, lợi ích cả hai bên.

Dự án liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa thuần ĐT100 trên địa bàn xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam thực hiện trong hai năm qua. Hơn 700 hộ nông dân cùng hợp tác xã nông nghiệp Quế Phú và Công ty giống cây trồng vật nuôi Thừa Thiên Huế liên kết thực hiện trên diện tích 100 ha. Hợp tác xã là đơn vị liên kết, tổ chức sản xuất và ký hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng giống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Mô hình sản xuất tập trung đồng loạt trên các cánh đồng thuận tiện trong các khâu điều tiết nước, làm đất, chăm sóc, thu hoạch.

Năng suất lúa đạt từ 70-75 tạ/ha, sản phẩm làm ra được liên kết tiêu thụ, nên giá cả ổn định, doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại đồng ruộng, giảm thất thoát và tiết kiệm chi phí cho nông dân. Sản lượng lúa giống hơn 720 tấn, với giá 7,5 triệu đồng mỗi tấn doanh thu đạt 5,4 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, mỗi héc-ta thu lãi 23,5 triệu đồng sau mỗi vụ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn Nguyễn Thị Minh Châu cho biết: Thị xã Điện Bàn đã tổ chức liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chủ yếu là sản xuất lúa giống, ngô giống với 15 đơn vị, tổng diện tích hàng năm hơn 1.000 ha lúa giống.

Sau gần ba năm thực hiện, đến nay thị xã đã có năm dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm, chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Trong định hướng phát triển, thị xã Điện Bàn tăng diện tích sản xuất lúa giống lên 1.500-2.000 ha và trở thành vùng chuyên sản xuất, cung ứng lúa giống và hàng hóa nông nghiệp mở rộng thị trường trong nước.

Hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa nông nghiệp

Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được tỉnh Quảng Nam tích cực thực hiện, tạo động lực trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng và ổn định đầu ra sản phẩm.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 75 dự án liên kết lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trong đó 66 dự án liên kết lĩnh vực trồng trọt lúa giống thuần, lúa lai, lúa thương phẩm, rau màu và cây ăn quả, lâm nghiệp, chăn nuôi. Các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp thu hút 113 hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi, với hơn 17.000 hộ dân đồng hành.

Tổng nguồn vốn cho chính sách nông nghiệp hơn 311 tỷ đồng, trong đó, kinh phí Nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 17/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam gần 49 tỷ đồng và lồng ghép vốn hỗ trợ từ Nghị định số 135 ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa hơn 3,5 tỷ đồng và ngân sách địa phương.

Toàn tỉnh có 36.000 ha lúa, trong đó hơn 10.000 ha sản xuất và cung ứng lúa giống cho nông dân trong tỉnh và các vùng sản xuất lúa trong nước. Sau thời gian triển khai Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ điển hình lĩnh vực sản xuất lúa giống, lúa lai, làm nấm, chăn nuôi…

Các địa phương có nhiều dự án liên kết sản xuất nông nghiệp gồm huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình… với mỗi địa phương từ bảy đến 11 dự án, chuỗi liên kết hàng hóa nông nghiệp.

Giám đốc Công ty cổ phần Giống nông nghiệp Điện Bàn, xã Điện Thọ Nguyễn Văn Việt chia sẻ: Công ty khoanh vùng hợp tác với 300 hộ nông dân trên diện tích gần 100 ha để sản xuất lúa giống 13/2, ĐT100, Hòa Phát 3… đồng thời, liên kết với các công ty giống trong và ngoài tỉnh cung cấp ra thị trường từ 300-400 tấn lúa giống mỗi năm.

Công ty mở rộng thị trường, tiêu thụ lúa thương phẩm cho nông dân, cung cấp lúa giống trong nước, mỗi năm đạt doanh thu từ 3 tỷ-4 tỷ đồng. Theo anh Việt, làm nông nghiệp chuyên sâu, nhiều doanh nghiệp, nông dân tham gia đã đạt hiệu quả cao khi hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ tiến bộ khoa học – kỹ thuật, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất; nâng cao thu nhập cho các bên liên kết; xây dựng, củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản.

Để đạt hiệu quả cao trong liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã có chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng, tạo sự thống nhất cho các địa phương, đối tượng hưởng lợi tiếp cận chính sách được dễ dàng và đúng quy định. Chủ trì thực hiện dự án là doanh nghiệp, hợp tác xã phải đủ năng lực thực hiện; tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã.

Theo đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, để tiếp tục thực hiện chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp, tỉnh Quảng Nam quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng ruộng, cơ giới hóa, tưới tiêu khoa học; mở rộng diện tích các cánh đồng lớn, cánh đồng kỹ thuật, cánh đồng có thu nhập cao để liên kết sản xuất.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn việc thành lập mới các hợp tác xã, là cầu nối quan trọng giữa người dân và doanh nghiệp. Quảng Nam đã lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn khuyến nông, khuyến công; vốn đầu tư kiên cố hóa kênh mương, vốn hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ theo các quy định hiện hành cho việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; cải tiến và nâng cao chất lượng đồng bộ để đáp ứng các yêu cầu trong liên kết.

(Theo Báo Nhân dân)

Bài viết liên quan