17/12/2023

Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong mối liên kết giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, kết nối thị trường cung cầu – giải pháp thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngày 15/12, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra Hội thảo liên kết vùng giữa TPHCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong mối liên kết giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên- Ảnh 1.
Quang cảnh hội thảo

Các báo cáo tại hội thảo nhấn mạnh tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Mô hình tăng trưởng này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên.

Là một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và châu Á, Việt Nam đang là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư trên thế giới vào thị trường năng lượng xanh của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là nước có nền nông nghiệp phát triển, định hướng sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn, có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ấn tượng như gạo, cà phê…, ra thị trường thế giới cho thấy Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu các thị trường khó tính.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh tới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Việt Nam đã và đang triển khai, cụ thể hóa tăng trưởng xanh.

Hội thảo nhằm kết nối các doanh nghiệp, tạo mối “liên kết – hợp tác” chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, hoạch định chính sách, tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp xanh và phát huy tối đa vai trò dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp xanh.

Qua đó, tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong mối liên kết giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên- Ảnh 2.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tham quan gian hàng tại hội thảo

Tiếp cận khoa học công nghệ để tăng cường liên kết vùng

Tính đến tháng 3/2023, Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, chỉ tính từ năm 2020 đến 2022, số vốn đầu từ vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt gần 2 tỷ USD.

Cả nước hiện có 200 không gian làm việc chung, 84 cơ sở ươm tạo, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 208 quỹ đầu tư với 40 quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tại hội thảo, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá TPHCM là trung tâm tâm kinh tế, trung tâm đào tạo nguồn lực của cả nước, không chỉ quan trọng với các tỉnh Tây Nguyên mà với Đồng bằng sông Cửu Long.

TPHCM có gần 9 triệu người dân, gấp 1,5 lần dân số các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy TPHCM vừa là thị trường tiêu thụ lớn về nông sản, lương thực vừa là nơi cung cấp hàng tiêu dùng và đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh.

“So với cả nước, TPHCM là thành phố năng động, lực lượng lao động trẻ lớn với 4,8 triệu người. Đây là con số rất tốt mà không thành phố nào trong nước có được”, ông Phạm S. chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, vùng Tây Nguyên hiện nay có khoảng 65.000 doanh nghiệp và 20.000 hợp tác xã, trong đó lứa tuổi làm doanh nghiệp hiện nay trẻ hơn 10 năm trước, đây là điều kiện tốt để tiếp cận khoa học công nghệ. Thông qua hội thảo này, ông S kỳ vọng các tỉnh có liên quan xem xét lại sự phối hợp và tiếp cận khoa học công nghệ để tăng cường liên kết của vùng với TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết thị trường thế giới rất rộng mở nhưng không dễ dàng để bước vào. Các tập đoàn lớn có thể đi được nhưng doanh nghiệp nhỏ thì rất khó. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đến từ TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên cần liên kết lại theo 3 góc độ.

Thứ nhất là doanh nghiệp lớn phải là người đi đầu, người tiên phong, là người dẫn dắt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Cần hỗ trợ cho những cá nhân, doanh nghiệp mới ra đời để họ hướng theo, cùng có sản phẩm xuất khẩu.

Thứ hai, ông Hoan cho rằng chính quyền địa phương các tỉnh vùng Tây Nguyên phải hỗ trợ, liên kết lẫn nhau để chia sẻ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Nếu mỗi địa phương, mỗi vùng có chính sách tiêng, có cách làm riêng nhưng không có kết nối chung thì sản xuất không tiếp cận được thị trường, nguồn nguyên liệu không tiếp cận được doanh nghiệp và thậm chí sản xuất trong nước không đáp ứng được thị trường xuất khẩu. Do đó, vai trò của nhà nước rất quan trọng.

Thứ ba, phải kết hợp giữa xuất khẩu với thị trường nội địa. Nghĩa là phải khai thác tối đa thị trường nội địa. Mà muốn khai thác tối đa thì cũng phải liên kết, trong đó TPHCM là trung tâm tiêu thụ, chế biến thì Tây Nguyên là vùng cung cấp nguyên liệu. Ở nơi tiêu thụ phát ra những tín hiệu hoặc yêu cầu đòi hỏi mới thì khu vực nguyên liệu phải căn cứ theo đó mà thay đổi, phục vụ.

Cùng với chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và TPHCM, hàng chục doanh nghiệp đã mang đến hội thảo nhiều tham luận để làm rõ những tiềm năng, lợi thế trong tăng trưởng xanh mà các doanh nghiệp này được hưởng lợi từ việc liên kết vùng giữa TPHCM và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Các doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn, đề xuất chính quyền các địa phương hỗ trợ về mặt chính sách để có thể đứng vững trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

Bên lề hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã mang đến Đà Lạt những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm gắn với kinh tế xanh.

(Theo Báo Điện tử Chính phủ)

Bài viết liên quan