15/10/2024

5 – 7 năm nữa, cảng nào không ‘xanh’ sẽ tự bị đào thải

Đó là thông tin được ông Bùi Văn Quỳ (Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng Biển Việt Nam) nhấn mạnh tính cấp thiết của công cuộc chuyển đổi xanh, phát triển bền vững tại Hội thảo “Vai trò của vận tải xanh – Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại tăng trưởng xanh phát triển bền vững hướng tới Net-Zero – 2050”.

Hội thảo do Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức chiều nay (15.10).

Hệ thống cảng biển Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi xanh để theo kịp cuộc chơi quốc tế ẢNH: MẠNH QUÂN

Tăng vận chuyển đường thủy, giảm đường bộ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Văn Quỳ nêu thực trạng loài người đang sống trong một thời kì bất ổn với rất nhiều thiên tai bất thường. Tàu thuyền trôi trên phố, ô tô dạt ra giữa sông giữa biển – những hình ảnh tưởng chừng chỉ là viễn tưởng nhưng thực tế lại đã và đang diễn ra ngay xung quanh chúng ta khi tình trạng ngập lụt, bão lũ gia tăng; những cơn bão lớn chưa từng có đổ bộ Việt Nam, càn quét nhiều địa phương tại Trung Quốc, Mỹ… thiên tai đã ảnh hưởng quá lớn tới đời sống, xã hội.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang cùng đồng hành với các quốc gia trên thế giới tiến đến cam kết Net-Zero vào năm 2050. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan trong “phát triển logistics xanh” gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh…

Theo ông Bùi Văn Quỳ, ngành logistics và cảng biển là xương sống của nền kinh tế. Các hoạt động của ngành logistics đóng góp quan trọng vào sự phát triển của một đất nước, nhưng đồng thời cũng gây ra tác động rất lớn tới môi trường khi có lượng phát thải rất lớn. Vì thế, trong công cuộc chuyển đổi xanh, logistics, giao thông phải là ngành tiên phong chuyển đổi. Nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh thì vận tải, kho bãi, cầu cảng cũng phải xanh.

Với quan điểm đó, các cụm cảng thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thời gian qua đang tích cực thực hiện lộ trình chuyển đổi về năng lượng, trong đó chuyển đổi năng lượng truyền thống sang điện là khâu dễ nhất. Đơn cử, các thiết bị trong cảng đã chuyển đổi từ thiết bị chạy bằng xăng dầu sang thiết bị chạy điện; một số nhà kho ở các trung tâm logistics đã dùng năng lượng mặt trời; các thiết bị trong nhà kho, bến cảng cũng đã dần dần điện hóa…

“Đồng thời, chúng tôi đang tăng cường vận tải xanh, chở hàng bằng đường sắt và đường thủy thay vì đường bộ. Tuy nhiên, do đường sắt chưa phát triển được như các nước nên các doanh nghiệp đang tận dụng tối đa mạng lưới sông ngòi, phát huy năng lực vận tải thủy. Theo tính toán, trên quãng đường 100 km, 1 xe tải chở 1 container mất 50 lít dầu, nếu dùng sà lan sẽ chở được 30 – 40 container, số lượng dầu giảm rất nhiều, giảm khoảng 70% lượng phát thải” – vị này dẫn chứng.

Cũng theo Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng Biển Việt Nam, hiện nay khoảng 60 – 70% tàu hàng đóng mới trên thế giới đều sử dụng nhiên liệu xanh. Trong tương lai, 100% tàu hàng sẽ không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các tàu cập cảng đòi hỏi cảng phải xanh, tàu dẫn xanh…mọi thứ phải xanh. Các doanh nghiệp quốc tế cũng yêu cầu những tuyến hàng hải thân thiện với môi trường như vậy. Khi đó, doanh nghiệp logisitcs Việt Nam có chứng chỉ xanh chính là có passport, có visa để hàng hóa Việt Nam hội nhập với thế giới. Nếu 5 – 7 năm nữa cảng nào không xanh, luồng hàng nào không xanh, đường hàng hải nào không xanh thì sẽ tự bị đào thải.

Sẽ yêu cầu tất cả các doanh nghiệp báo cáo tỉ lệ phát thải

Ông Lương Quang Huy – Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Ngành giao thông chiếm khoảng 18 – 20% tổng mức phát thải khí nhà kính, tương đương xấp xỉ 100 triệu tấn phát thải. Trong đó, ngành giao thông đường bộ chiếm 75 – 80%. Đây là những con số chưa tính đến phát thải quốc tế mà chỉ tính tới các hoạt động giao thông nội địa.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mêtan của ngành giao thông vận tải. Chính quyền các thành phố và doanh nghiệp cũng đã đầu tư phương tiện, hệ thống hạ tầng liên quan nhằm đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Đây là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp logistics nói riêng cũng như ngành vận tải nói chung thực hiện chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, thị trường hiện chưa tiếp cận được nhiều nguồn cung cấp để có sự cạnh tranh và có lựa chọn hấp dẫn hơn về giá để người dân lựa chọn. Về phía Chính phủ còn thiếu các quy chuẩn về xe điện, hạ tầng phục vụ giao thông xanh và các hỗ trợ về huy động tài chính còn hạn chế. Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn hoạt động một cách manh mún và thiếu tính liên kết, đồng bộ với các ngành.

Theo Báo Thanh niên

Bài viết liên quan