07/03/2023

Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng bền vững

Những đề xuất, kiến nghị đúng và trúng vừa giúp tháo gỡ, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trước mắt, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về phát triển năng lượng.

Ngày 6/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.

Ông Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của UBTVQH cho biết, đoàn giám sát đã chủ trì tổ chức 2 hội thảo trao đổi kinh nghiệm của các nước trên thế giới về năng lượng và chuyển dịch năng lượng; thảo luận một số vấn đề liên quan đến tình hình ban hành chính sách, pháp luật và đề xuất phương hướng, giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại hội thảo

Đoàn giám sát mong muốn lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng thực thi các chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp cụ thể.

Từ đó, đoàn giám sát sẽ có thêm cơ sở để trình với UBTVQH những đề xuất, kiến nghị thật sự “đúng” và “trúng”; giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trước mắt, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng.

Cần sớm nghiên cứu xây dựng Luật Điện gió ngoài khơi

Góp ý về cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, TS Mai Duy Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tổng tiềm năng điện gió trên bờ và gần bờ khá lớn với 221.000 MW; tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi khoảng 165.000 MW; tổng tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời rất lớn, lên tới 914.000 MW…

Trong 4-5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) ở Việt Nam phát triển vượt bậc, tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện.

Phát triển năng lượng tái tạo cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển năng lượng và các cơ chế khuyến khích dự án năng lượng tái tạo. Để hiện thực hóa chủ trương, TS Mai Duy Thiện kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Chiến lược, quy hoạch năng lượng.

Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.

Cần xây dựng giá mua điện hợp lý trên cơ sở tính toán khoa học, hài hòa giữa bên bán và bên mua điện (bên bán là các nhà đầu tư, bên mua là EVN). Các quy hoạch liên quan đến điện gió ngoài khơi cần triển khai khẩn trương để có thể hoàn thành phê duyệt sớm. Cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo cần được xây dựng có tính liên tục và dài hạn hơn, đủ để các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển các dự án – TS Mai Duy Thiện

Bên cạnh đó, ông Thiện cũng đề xuất cần nghiên cứu quy định về điện mặt trời áp mái tự dùng không nối lưới tại các khu công nghiệp; ban hành đồng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về năng lượng tái tạo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thủy điện tích năng; xây dựng cơ chế để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ…

Quan tâm đến lĩnh vực điện gió, TS Dư Văn Toán – Hội Năng lượng tái tạo cho biết, các nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi dự tính sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn phát điện vào năm 2045 (theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII). Phát triển điện gió ngoài khơi, ngoài việc khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng còn đảm bảo thực hiện tầm nhìn phát triển kinh tế biển…

Vì vậy, TS Dư Văn Toán cho rằng, việc xây dựng chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi, đưa Việt Nam thành cường quốc điện gió ngoài khơi (quốc gia kinh tế biển mạnh) là hết sức cần thiết. Để thực hiện được điều này, cần sớm nghiên cứu xây dựng Luật Điện gió ngoài khơi, cùng các văn bản, nghị định, thông tư, quy định kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi.

Phải đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho ý kiến vào các vấn đề trọng tâm như: Đánh giá về khả năng cung cấp năng lượng (than, điện, dầu khí, năng lượng tái tạo) giai đoạn 2016-2021 và giai đoạn 2021-2025; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; các dự án chậm tiến độ; đánh giá tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng…

TS. Nguyễn Thăng Long, Hội Khoa học công nghệ Sử dụng Năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các văn bản luật và văn bản dưới luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, Luật Điện lực được ban hành cách nay gần 20 năm, ban hành lần đầu năm 2004, đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi, bổ sung không nhiều.

Thực tế hiện nay đòi hỏi phải đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự hiện trạng phát triển của lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua để nghiên cứu sửa đổi, nhất là những vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được hoặc còn vướng mắc, chồng chéo, thiếu đồng bộ.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch phát triển năng lượng cũng như quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, có tình trạng quy hoạch được ban hành nhưng vài năm sau đã thay đổi, hiệu chỉnh, nhiều khi sự thay đổi chỉ là ý kiến chủ quan, không hoàn toàn dựa trên các phân tích theo nội dung của công tác quy hoạch.

Bên cạnh đó, quan hệ liên ngành giữa các quy hoạch phát triển ngành còn chưa thể hiện rõ, chưa có sự ràng buộc lẫn nhau, chưa thể hiện rõ quy hoạch phát triển của ngành này chịu ảnh hưởng hoặc chịu tác động của ngành kia và ngược lại.

Bài viết liên quan