Bản chất không phân huỷ hoàn toàn mà chỉ phân rã thành các vi nhựa nên chuyên gia cảnh báo về lâu dài nếu sử dụng nhựa tự hủy OXO sẽ ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ con người.
Vì sao nhựa tự hủy OXO lại bị cấm dùng ở nhiều nước?
Theo GS.TS. Đặng Thị Kim Chi (Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam), trên thế giới hiện nay có xu hướng sử dụng 3 loại nhựa dùng một lần.
Thứ nhất là nhựa truyền thống (nhựa thông thường), phần lớn có nguồn gốc từ các sản phẩm dầu mỏ như PE, PP, PA… có độ bền cơ học cao được sử dụng khá phổ biến trong đời sống hàng ngày và rất khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Nhựa này thải vào môi trường tùy theo từng loại có thể tồn tại hàng chục năm thậm chí đến hàng trăm năm trong môi trường.
Thứ hai là nhựa phân huỷ một phần, ngoài các thành phần nhựa truyền thống còn có thêm một số chất phụ gia, khi thải bỏ vào môi trường tự nhiên các phụ gia này có thể phân rã thành những mảnh nhỏ để lại vi nhựa.
Thứ ba là nhựa phân huỷ sinh học, thành phần có thể được phân hủy bởi vi sinh vật trong môi trường tự nhiên hoặc ủ công nghiệp, có thể phân huỷ về CO2, nước và sinh khối (mùn hữu cơ).
Nhựa tự hủy OXO (OXO – degradable) thuộc loại thứ hai. Nhựa tự hủy OXO có các thành phần là các hợp chất phụ gia, được thêm vào nhựa truyền thống (như polystyrene, polyethylene, polypropylene) để phá vỡ chúng thành các mảnh nhỏ là vi nhựa.
Nhựa tự hủy OXO là một trong những nguyên nhân của ô nhiễm vi nhựa gây ra nguy hại tới môi trường, đặc biệt là ở đại dương. Sản phẩm nhựa tự hủy OXO sẽ phân rã do tác động của lực cơ học hoặc ánh sáng mặt trời nhanh hơn là nhựa truyền thống, tạo những mảnh nhựa nhỏ len lỏi vào đất liền, sông, biển. Chúng tạo ra những mảnh vi nhựa có bản chất vẫn là loại nhựa truyền thống khó phân hủy. Do đó, chúng vẫn tồn tại lâu trong môi trường, kích thước ngày càng nhỏ trong khoảng thời gian nhiều thập kỷ.
GS.TS. Kim Chi cho hay, nhựa tự hủy OXO khi mới ra đời được thế giới hoan nghênh, bởi nếu trước đây nhựa hoàn toàn không phân huỷ được thì sự xuất hiện của nhựa tự hủy OXO có thể phân rã thành các mảnh nhỏ là một thay đổi. Nhưng bản chất không thể phân huỷ hoàn toàn của nhựa tự hủy OXO lại gây ra tác hại lâu dài đối với môi trường sống. Rất nhiều nơi trên thế giới khi nhận ra nhựa tự hủy OXO không phân huỷ sinh học hoàn toàn, nhưng mang tên nhựa sinh học nên đã cấm sử dụng loại nhựa này. Mặt khác, nhựa tự hủy OXO còn đưa thêm vào môi trường thành phần phụ gia gây ô nhiễm.
Vài năm trở lại đây nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu cấm sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa tự hủy OXO. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã đưa ra lệnh cấm từ năm 2019 và tại châu Âu, từ 3/7/2021, các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa tự hủy OXO cũng bị cấm nhập khẩu theo định hướng đã được đưa ra từ năm 2019.
Lệnh cấm nhập các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa tự huỷ OXO tại EU là một minh chứng rõ nét cho việc các nước phát triển nhìn thấy nguy cơ của nó đối với môi trường sống.
Thực tế, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã sớm nhìn thấy rõ tác hại lâu dài mà nhựa tự hủy OXO mang lại nên có sự ngăn chặn kịp thời. Giám đốc điều hành Uỷ ban châu Âu Hasso Von Pogrell chia sẻ, Uỷ ban châu Âu từ lâu đã cảnh báo về tác hại của nhựa tự hủy OXO đối với môi trường cũng như khả năng gây nhầm lẫn giữa sản phẩm này với các sản phẩm có khả năng phân huỷ sinh học thực sự. Trong vài năm qua, việc gắn mác xanh cho các sản phẩm nhựa tự hủy OXO đã gây hiểu nhầm trong công đồng về khả năng phân huỷ của các sản phẩm này.
Hiệp hội Nhựa sinh học châu Âu cũng nhấn mạnh, OXO-degradable là nhựa truyền thống không có khả năng phân hủy sinh học kết hợp với một số chất phụ gia khiến kết cấu nhựa yếu dần chứ không hoàn toàn phân huỷ. Không chỉ vậy, trong quá trình loại nhựa này phân rã, chúng sẽ phát tán các hạt vi nhựa ra môi trường, gây nguy hiểm đến sức khoẻ các loài sinh vật biển cũng như trên đất liền.
Hai tác hại lớn của nhựa tự hủy OXO
Một số nước đang gây ra mối đe doạ lớn đến môi trường khi cho phép sử dụng túi tự hủy OXO-degradable. Tuy sản xuất loại túi này tiết kiệm nhiều chi phí nhưng sử dụng chúng gây ra nhiều hậu quả lâu dài đến môi trường sinh thái.
Phân tích kỹ hơn về tác hại của nhựa tự hủy OXO, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi nói: “Nhựa tự hủy OXO sẽ phân rã, để lại ở dạng các vi nhựa vì vậy khi lan truyền trong môi trường nó vẫn làm thay đổi, ảnh hưởng xấu tới thành phần tiếp nhận của nó là đất, nước sông, biển. Nhưng nguy hiểm hơn, phụ gia khi phân huỷ trong môi trường sẽ theo chuỗi thức ăn vào thực vật, động vật thủy sinh, động vật trên cạn vào con người gây tác hại đến môi trường sống, sức khoẻ con người. Bởi vậy, nhựa tự hủy OXO đang gây ra tác hại lớn. Một là các vi nhựa làm thay đổi tính chất thành phần tiếp nhận (đất, sông, biển). Hai là qua chuỗi thức ăn và vào cơ thể sống con người và sinh vật”.
GS.TS. Đặng Thị Kim Chi khẳng định, về mặt lâu dài nếu sử dụng nhựa tự hủy OXO không phân hủy hoàn toàn, sẽ ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ con người. Trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng của thế giới trong việc quản lý và sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần thân thiện môi trường.
Một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã chú trọng tới việc tiếp nhận, sản xuất và sử dụng nhựa phân huỷ sinh học thành CO2, H2O và mùn hữu cơ. Có doanh nghiệp đã xúc tiến xây dựng tại Việt Nam nhà máy sản xuất hạt nhựa làm nguyên liệu cho sản phẩm nhựa có thể phân hủy sinh học trong điều kiện thích hợp. Việc nghiên cứu và sản xuất nhựa phân hủy sinh học đã và đang là mối quan tâm của toàn thể nhân loại, đặc biệt là của các nhà khoa học tại một số trường đại học và viện khoa học.
Trong cuộc chiến với rác thải nhựa, bên cạnh hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa truyền thống dùng một lần, các chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng nên sử dụng những sản phẩm nhựa phân huỷ sinh học, chung tay bảo vệ môi trường sống.
Theo Báo Đầu tư