06/07/2023

Góp phần xây dựng một khu vực ASEAN xanh và bền vững

Ngày 5/7, Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải (Hội nghị AWGCW-8) đã khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức.

Diễn ra trong 3 ngày (từ 5 – 7/7), Hội nghị AWGCW-8 sẽ đánh giá lại các hoạt động hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN về các hoạt động hợp tác về hóa chất và chất thải trong năm vừa qua, đồng thời, thảo luận và định hướng đi tới thống nhất về nguyên tắc các nội dung hợp tác giữa các nước trong khu vực trong thời gian tới.

Tham dự Hội nghị AWGCW-8 có đại diện quốc tế là thành viên của Ban Thư ký ASEAN, các nước thành viên ASEAN và các tổ chức đối tác như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Ngân hàng Thế giới (WB). Đại biểu trong nước là thành viên của các Nhóm công tác thuộc ASOEN Việt Nam, đại diện các Bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương; các chuyên gia, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức quốc tế…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cùng Trưởng đoàn các quốc gia ASEAN tham dự hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ô nhiễm môi trường do hóa chất và chất thải đang trở thành một trong những thách thức về môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hành tinh, trong đó có khu vực ASEAN.

Trước đó, tại Hội nghị các Bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm được tổ chức vào tháng 5/2023 tại Thụy Sỹ, nhiều quyết định và hướng dẫn kỹ thuật đã được thông qua ở cấp toàn cầu về chất thải nhựa, chất thải chứa các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), về vận chuyển xuyên biên giới chất thải điện, điện tử và thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng theo Công ước Basel; đưa chất Terbufos vào danh mục các hóa chất phải tuân thủ quy trình thỏa thuận thông báo trước thuộc Công ước Rotterdam; loại bỏ sản xuất và sử dụng 3 chất Methoxychlor, Dechlorane Plus và UV-328 theo Công ước Stockholm.

Vì vậy, Hội nghị AWGCW-8 sẽ thảo luận các hoạt động thực hiện các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm tại từng quốc gia thành viên ASEAN nói riêng và khu vực ASEAN nói chung trong thời gian tới.

Hội nghị cũng tập trung thảo luận hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch hành động của Nhóm Công tác ASEAN về Hóa chất và Chất thải; các sáng kiến liên ngành về hoá chất và chất thải; hợp tác ASEAN về hoá chất và chất thải với các đối tác phát triển và các cơ quan chuyên ngành để báo cáo tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về Môi trường (ASOEN) được tổ chức tại Indonesia vào cuối tháng 7 này.

“Những kết quả thảo luận của Hội nghị lần này sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN và với các tổ chức đối tác, và quan trọng hơn cả, sẽ góp phần xây dựng một ASEAN xanh hơn”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện quản lý thân thiện với môi trường đối với các hóa chất và chất thải nguy hại trong suốt vòng đời và giảm thiểu chất thải theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, tuân thủ các khuôn khổ pháp lý và chính sách quốc gia hiện có. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý các chất POP và chất thải thông qua việc nội luật hóa các quy định của các Công ước vào các văn bản pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các hóa chất và chất thải đã được nội luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Hóa chất 2007 (đang được Chính phủ sửa đổi, chuẩn bị trình Quốc hội) và các văn bản pháp luật hiện hành.

Đồng thời, Việt Nam cũng khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và các quốc gia ngoài ASEAN, các đối tác quốc tế để huy động xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin về kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất; hợp tác kỹ thuật nhằm đạt được quản lý an toàn về môi trường đối với các hóa chất, chất thải độc hại và chống lại việc vận chuyển bất hợp pháp các hóa chất, chất thải nguy hại vào khu vực hiệu quả hơn.

Sau phiên khai mạc, đại diện các nước ASEAN, Ban thư ký ASEAN cùng các tổ chức đối tác đã cùng Cập nhật việc thực hiện Kế hoạch hành động AWGCW. Nội dung trọng tâm bao gồm: Quản lý chất thải nguy hại và các chất thải khác được định nghĩa theo Công ước Basel; vận chuyển xuyên biên giới hóa chất độc hại và chất thải nguy hại; quản lý hóa chất hiệu quả; công nghệ quản lý thân thiện với môi trường (EST) hướng tới các ngành công nghiệp xanh; phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp đối với các sự cố hóa chất và chất thải nguy hại; Phục hồi các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất và chất thải nguy hại.

Quang cảnh hội nghị

Về nội dung hợp tác ASEAN về hóa chất và chất thải với các đối tác đối thoại/phát triển và các cơ quan chuyên ngành khác, các đại biểu đã chia sẻ về các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; giảm thiểu rác thải đại dương tại khu vực ASEAN thông qua xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia và cách tiếp cận chính sách tổng hợp từ đất liền đến đại dương; xây dựng Trung tâm kiến thức khu vực về rác thải nhựa biển…

Trong các buổi họp tiếp theo, các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận về quyết định của các Hội nghị ASEAN liên quan, cập nhật việc thực hiện Kế hoạch hành động AWGCW; các sáng kiến liên ngành về hóa chất và chất thải; cập nhật kết quả của Hội nghị các Bên tham gia công ước liên quan đến Hóa chất và Chất thải 2022/2023.

Với vai trò là đầu mối ASOEN Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì trao đổi/thảo luận 4 nội dung: Tăng cường năng lực và trao đổi thông tin về công nghệ và thực hành tốt nhất; triển khai các nội dung của Tuyên bố chung của ASEAN về hóa chất và chất thải tại Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm; phục hồi các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất và chất thải nguy hại; cập nhật các kết quả liên quan đến Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) tại Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm năm 2022, 2023.

Các kết quả dự kiến của Hội nghị AWGCW-8 gồm: Báo cáo của Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải lần thứ 8 được các nước ASEAN thông qua; Dự thảo Tuyên bố chung của ASEAN gửi Hội nghị các bên tham gia các các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm được trình lên Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường (ASOEN) được tổ chức tại Indonesia vào tháng 8 tới để làm các thủ tục tiếp theo theo quy định của ASEAN. Kết quả của Hội nghị cũng sẽ góp phần xây dựng một khu vực ASEAN xanh và bền vững hơn.

Theo Báo Công lý

Bài viết liên quan