Vi nhựa thường được tìm thấy trong bao bì thực phẩm và sơn, nay lần đầu tiên được phát hiện trong tim người. Phát hiện đáng báo động này được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học từ bệnh viện Anzhen Bắc Kinh (Trung Quốc), họ đã phân tích mô tim của 15 bệnh nhân trải qua phẫu thuật tim mạch, theo nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ.
Vi nhựa, có chiều rộng chưa đến 5 mm, hoặc bằng kích thước của một cục tẩy bút chì, có khả năng xâm nhập vào cơ thể con người qua miệng, mũi và các khoang khác trên cơ thể.
Bác sĩ Kun Hua, Xiubin Yang và các thành viên khác trong nhóm muốn nghiên cứu liệu các hạt này có thể xâm nhập vào hệ thống tim mạch của con người thông qua tiếp xúc gián tiếp và trực tiếp hay không.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập và phân tích mô tim của bệnh nhân cũng như mẫu máu của một nửa số người tham gia.
Họ “đã phát hiện hàng chục đến hàng nghìn mảnh vi nhựa riêng lẻ trong hầu hết các mẫu mô” và trong tất cả các mẫu máu.
9 loại nhựa đã được tìm thấy trong 5 loại mô tim. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một số hạt nhựa có thể đã xâm nhập vào bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật trước đó.
Polyethylene terephthalate, có trong quần áo và các hộp đựng thực phẩm, và polyvinyl chloride (PVC) – loại được dùng trong khung cửa sổ, ống thoát nước, sơn… cũng được tìm thấy.
Các nhà khoa học kết luận “Việc phát hiện vi nhựa là vô cùng đáng báo động và cần phải được nghiên cứu sâu rộng hơn nhằm xác định cách thức vi nhựa xâm nhập vào các mô tim và tác động tiềm ẩn của chúng đối với tiên lượng lâu dài sau phẫu thuật tim.”
Năm ngoái, một nghiên cứu cũng đã cho thấy con người tiêu thụ khoảng 5 gam nhựa nhỏ mỗi tuần, tương đương với trọng lượng 1 chiếc thẻ tín dụng của bạn.
Các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Vienna phát hiện các hạt nhựa xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người từ rác thải bao bì, và xâm nhập vào cơ thể thông qua muối biển, hải sản hay thậm chí là nước uống.
Vi nhựa có khả năng gây ra những thay đổi trong đường tiêu hóa, từ đó tác động đến các bệnh về chuyển hóa như béo phì, tiểu đường và bệnh gan mãn tính.
Nguồn: Newyork post