Pháp mong muốn dùng số tiền này để hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân phát triển năng lượng tái tạo.
Vào cuối tháng 9/2023, ông Olivier Brochet chính thức được bổ nhiệm làm Đại sứ Pháp tại Việt Nam, thay cho người tiền nhiệm Nicolas Warnery.
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên với báo chí, Đại sứ Olivier Brochet đã nhấn mạnh 4 ưu tiên của mình trong nhiệm kỳ 3 năm tới. Trong đó, ưu tiên đầu tiên mà Đại sứ nhắc đến là Pháp và Việt Nam sẽ cùng phối hợp để giải quyết những thách thức lớn của thời đại, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
Ông nêu rõ: “Quan điểm của Pháp là các nước thành viên phải đạt được những mục tiêu đã đề ra trong Hội nghị COP 26”. Tuy nhiên đây không phải là hành trình riêng lẻ mà mỗi nước sẽ tự thực hiện.
Đại sứ bày tỏ vui mừng khi Việt Nam là một trong nước có quyết tâm rõ ràng trong lĩnh vực này. Cụ thể, Vào tháng 11/2021, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Nhắc tới Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới diễn ra tại Paris (Pháp) mà cả Pháp và Việt Nam cùng tham gia vào cuối tháng 6/2023, Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh lại nguyên tắc: Các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển để cùng đạt được mục tiêu đã đề ra.
Phát triển quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam chính là hành động hiện thực hóa những tuyên bố của Pháp tại Hội nghị này. Ông giải thích: “Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng bằng nguồn lực tài chính cụ thể. Trong khuôn khổ JETP, Pháp cam kết sẽ dành cho Việt Nam 500 triệu Euro trong 5 năm tới”.
Cụ thể, vào tháng 12/2022, Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế – IPG (bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch) đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) tại Brussels (Vương quốc Bỉ).
Theo thỏa thuận này, JETP cam kết sẽ huy động 15,5 tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam trong 3 đến 5 năm tới. Trong đó, một nửa số vốn sẽ đến từ nguồn tài trợ của Chính phủ và một nửa đến từ nguồn tài trợ tư nhân.
Đại sứ Olivier Brochet cho biết thêm: Bước đầu, Pháp mong muốn dùng số vốn của mình để hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện và thu hút các nhà đầu tư tư nhân phát triển các dự án liên quan tới năng lượng tái tạo, thực hiện hóa mục tiêu thu hút 15,5 tỷ USD mà JETP đã đề ra.
4 thỏa thuận, diễn đàn quan trọng của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu:
- 6/2023: Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu Paris (Pháp)
- 12/2022: Thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP)
- 11/2021: Hội nghị COP26 (Glasgow, Scotland)
- 11/2016: Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu
Bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu, Đại sứ Olivier Brochet đề cập tới quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn sự đa dạng sinh học. Đây là một vấn đề mà tất cả các nước trên thế giới đều phải đương đầu. Nhưng ở những nước có mật độ dân số cao như Việt Nam, vấn đề trở nên đặc biệt quan trọng hơn.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học – nghiên cứu giữa Pháp Việt Nam có thể giữ một vai trò quyết định trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Đại sứ Olivier Brochet cũng lần lượt bày tỏ 3 ưu tiên khác trong nhiệm kỳ của mình:
Phát triển lĩnh vực kinh tế là ưu tiên thứ hai. Đại sứ Olivier Brochet cho rằng hỗ trợ Việt Nam phát triển các sản phẩm đáp ứng với tiêu chuẩn xã hội, pháp lý, môi trường của thị trường Pháp nói chung và Châu Âu nói riêng là điều rất quan trọng.
Ông nhận định: “Chúng tôi thấy rằng, đây là lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển. Khi Việt Nam có những sản phẩm có thể đáp ứng tiêu chuẩn, tuân thủ nguyên tắc của thị trường châu Âu thì Việt Nam có thể bán sản phẩm đó ra khắp thế giới.
Đây là sẽ cơ sở để Việt Nam có thể tận dụng tối đa Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA).
Đẩy mạnh giao thương, xuất nhập khẩu và tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác giữa Pháp Việt Nam trên trường quốc tế là hai ưu tiên sau cùng.
Tôi nghĩ rằng khoảnh khắc một người Việt Nam người Pháp gặp nhau luôn là một khoảnh khắc hết sức đặc biệt. Bởi, tôi cảm nhận được rằng, cả hai bên đều mong muốn để hiểu nhau hơn, để hợp tác xa hơn.
– Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet –
Tân Đại sứ Pháp Olivier Brochet đã trình quốc thư lên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng vào ngày 26/9/2023.
Lễ trình quốc thư được tổ chức vào đầu nhiệm kỳ của mỗi Đại sứ. Nghi lễ này chính thức hóa việc bổ nhiệm và cho phép Đại sứ thực hiện đầy đủ chức trách của mình.
Theo Nhandan