18/10/2023

Lấy bùn thải nuôi cá tra làm nguồn thức ăn nuôi côn trùng, giải pháp giảm phát thải carbon

Theo số liệu mới nhất được đưa ra bởi ông Nguyễn Bá Thông – Quản lý chương trình của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH), quá trình nuôi 1 kg cá tra tại trang trại sẽ làm phát thải carbon từ 6 – 7 kg. Như vậy, nếu ngành cá tra sản xuất 1,5 triệu tấn/năm thì phát thải carbon từ 9 – 10,5 triệu tấn.

Nuôi 1 kg cá tra tại trang trại sẽ làm phát thải carbon từ 6 – 7 kg

Tại hội thảo “Hợp tác công tư trong chế biến thủy sản – kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chuỗi cá tra Việt Nam” vừa được tổ chức TP.Cần Thơ mới đây, ông Nguyễn Bá Thông – Quản lý chương trình của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) cho biết, theo số liệu mới nhất, để sản xuất 1 kg cá tra ở trang trại sẽ làm phát thải carbon từ 6-7 kg.

Theo ông Nguyễn Bá Thông – Quản lý chương trình của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH), quá trình nuôi 1 kg cá tra tại trang trại sẽ làm phát thải carbon từ 6 – 7 kg. Ảnh: Huỳnh Xây

Như vậy, với sản lượng cá tra khoảng 1,5 triệu tấn/năm, có nghĩa lượng khí carbon phát thải ra từ 9-10,5 triệu tấn.

Theo ông Thông, trong quá trình nuôi cá tra, cá chết và bùn thải rất nhiều cũng dẫn đến phát thải lượng lớn khí nhà kính.

Cũng tại hội thảo trên, bà Phạm Thị Thu Hồng – Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, đối với nghề nuôi cá tra, trong thời gian qua, việc xử lý chất thải chủ yếu bằng việc thay nước rồi sử dụng thêm các chế phẩm sinh học và hút bùn đáy.

“Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc phát triển diện tích nuôi cá tra đã tạo ra một lượng chất thải rất lớn. Cụ thể, nếu tính mật độ nuôi trung bình là 200 tấn/ha thì lượng xả thải ra môi trường bên ngoài là 320 tấn chất hữu cơ” – bà Hồng thông tin.

Như vậy, với lượng cá được sản xuất vào năm 2022 là 1,5 triệu tấn, đã có 2,4 triệu tấn chất hữu cơ thải ra môi trường.

Làm gì để giảm lượng phát thải carbon trong nuôi cá tra?

Theo ông Thông, trước hết, để giảm lượng phát thải carbon trong nuôi cá tra, cần hạn chế sử dụng sản phẩm đậu nành trồng trên đất phá rừng.

Về vấn đề này, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, muốn đồng hành với ngành thủy sản, nên lưu ý nhiều đến nguồn đậu nành nhập khẩu, phải trồng ở vùng đất không liên quan phá rừng.

Kế đến, để kéo giảm phát thải khí carbon, ông Thông cho rằng, cần quản lý tốt hơn lượng bùn thải trong quá trình nuôi cá tra.

Hiện IDH đang cùng các đối tác nghiên cứu việc tận dụng bùn thải làm nguồn thức ăn nuôi côn trùng. Sau đó, tận dụng lượng côn trùng này để sản xuất thức ăn cho cá tra, thay thế bột cá hay một phần nguyên liệu nhập khẩu.

Giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp nói trên nếu thực hiện được sẽ vừa giúp giảm hệ số phát thải, vừa giảm chi phí sản xuất (chi phí thức ăn trong nuôi cá tra chiếm 70 – 80% giá thành sản xuất), góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho hộ nuôi.

Theo ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục thủy sản (Bộ NNPTNT), đối với lĩnh vực thủy sản, phía Cục đang chuẩn bị rất nhiều bước để chủ động đưa ra quy trình, sáng kiến hay nhằm giảm phát thải carbon.

Bởi yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nhất là với Liên minh châu Âu (EU) việc giảm phát thải trong quá trình sản xuất là yếu tố được đưa ra để xem xét, quyết định nhập khẩu sản phẩm.

Sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt trên 140 thị trường thế giới, với kim ngạch năm 2022 đạt 2,44 tỷ USD. Vì vậy, các nhà cung cấp sản phẩm cá tra phải có sáng kiến giảm phát thải, mới đáp ứng điều kiện xuất khẩu cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh.

“Khi xuất khẩu, nếu chất lượng sản phẩm tốt, hệ số phát thải thấp thì năng lực cạnh tranh mạnh hơn” – ông Nguyễn Bá Thông – Quản lý chương trình của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) nhận định.

Theo Danviet.vn

Bài viết liên quan