Thời gian vừa qua, trên trang cá nhân của anh V.M.H (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) xuất hiện nhiều bài quảng cáo về một loại thuốc giảm cân, giúp người dùng giảm từ 3-5 kg chỉ sau một tuần sử dụng. Vốn có vấn đề về cân nặng, anh H. đã đặt mua hai lọ thuốc với giá hơn 1 triệu đồng và được giao hàng đến tận nhà. Sau một tuần sử dụng thuốc, số cân nặng của anh H. giảm không đáng kể nhưng kéo theo đó là nhiều triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi…
Ngoài những lời quảng cáo “có cánh”, các loại thuốc này cũng được nhiều người lựa chọn bởi chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại, sản phẩm sẽ được giao tận nhà trong vài ngày.
“Mặc dù tôi được người bán hàng tư vấn là loại thuốc này sử dụng công nghệ mới, hoàn toàn an toàn cho sức khỏe, không có tác dụng phụ, nhưng khi sử dụng rõ ràng có nhiều vấn đề. Tôi hỏi lại người bán hàng thì họ bảo là do cơ thể chưa thích nghi được với thuốc, cần phải dùng sản phẩm thêm một thời gian nữa mới thấy rõ công hiệu. Qua nói chuyện, thấy người bán cũng không hiểu rõ về các loại thuốc cho nên tôi đã không tiếp tục mua hàng”, anh H. chia sẻ.
Không chỉ anh H., thời gian gần đây, nhiều người cũng đã trở thành nạn nhân của các “quầy thuốc” online. Hiện nay, chỉ cần gõ từ khóa về loại thuốc trị bệnh, thậm chí chỉ cần gõ triệu chứng sức khỏe mình đang mắc phải trên các công cụ tìm kiếm, ngay lập tức sẽ cho hàng trăm kết quả từ các “quầy thuốc” trên mạng.
Có rất nhiều bài quảng cáo về các loại thuốc chữa các bệnh từ đơn giản cho đến nan y, với những lời giới thiệu như “áp dụng công nghệ mới”, “điều trị dứt điểm nhanh chóng”… Ngoài những lời quảng cáo “có cánh”, các loại thuốc này cũng được nhiều người lựa chọn bởi chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại, sản phẩm sẽ được giao tận nhà trong vài ngày.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều người đã mua và sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng. Phần lớn người mua lựa chọn mà không tìm hiểu kỹ về sản phẩm và tin tưởng vào công dụng của thuốc qua lời giới thiệu của người bán hàng. Không ít người dù đã sử dụng sản phẩm nhưng không biết rõ về thành phần, xuất xứ của loại thuốc mình mua.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra cảnh báo về tác hại của các loại thuốc, thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng. Gần đây, qua giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sản phẩm như viên uống thảo mộc, trà, cà-phê, được quảng cáo là hỗ trợ sức khỏe, giảm cân… nhưng chứa chất cấm.
Tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp Công an quận Hà Đông phát hiện và thu giữ một lô hàng gồm số lượng lớn thực phẩm giảm cân có chứa chất cấm, kết quả xét nghiệm cho thấy bên trong sản phẩm trà thảo dược bị thu giữ có chứa các chất Sibutramin và Cyproheptadin. Đây là hai chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe vì có thể gây đột quỵ, tổn thương não, nhồi máu cơ tim và nhiều nguy cơ nguy hiểm khác cho người sử dụng.
Ngoài việc “tiền mất, tật mang”, người tiêu dùng cũng có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng. Đầu tháng 10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Viết Trung (28 tuổi, trú tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) và 5 bị can khác về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết quả điều tra, với thủ đoạn lập các trang fanpage giả danh Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để quảng cáo chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp rồi mời chào bán các loại thuốc “độc quyền” của hai bệnh viện này. Bằng thủ đoạn nêu trên, chỉ trong thời gian từ tháng 6/2022 đến nay, Trung và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền gần 50 tỷ đồng của hơn 7.000 bị hại trên toàn quốc.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Tường Kha (Hội Sinh lý học Việt Nam), gần đây, nhiều trường hợp phải đi cấp cứu tại bệnh viện do ngộ độc nặng, thủng dạ dày… do sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc được bán trên mạng. Điều đó cho thấy, tình trạng bán thuốc tràn lan trên các trang mạng xã hội rất đáng báo động. “Có nhiều người bệnh khi tìm đến bác sĩ và đưa ra những loại thuốc, thực phẩm chức năng họ mua trên mạng và đã sử dụng. Không ít sản phẩm chỉ toàn chữ nước ngoài, thậm chí người dùng không đọc được cả ngày sản xuất, hạn sử dụng chứ chưa nói đến thành phần, công dụng.
Ngoài việc “tiền mất, tật mang”, người tiêu dùng cũng có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng.
Tôi cũng đã thấy những quảng cáo các loại thuốc chữa dứt điểm tiểu đường, gút…, đây là quảng cáo sai sự thật, vì các bệnh này hiện nay không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc dùng thuốc cần phải có sự tham vấn của bác sĩ và mua thuốc cũng cần chọn các quầy thuốc có uy tín để tránh mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng”, bác sĩ Kha cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc), Điều 32, 33, Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt. Cơ sở bán lẻ thuốc chỉ bao gồm bốn hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã/phường/thị trấn; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Ngoài ra, nhà thuốc tư nhân phải có địa điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc.
Đối với cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thực hiện theo Điều 69 luật này phải tuân thủ quy định về địa điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự. Luật Dược năm 2016 cũng quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành dược và có hai năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp…
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, cho nên quy định về việc bán lẻ thuốc được quy định rất chặt chẽ. Không phải ai cũng có thể bán thuốc. Vì thế người dân cần cảnh giác với các loại thuốc bán trên mạng bởi không được cơ quan chức năng chứng nhận, cấp phép, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không bảo đảm về chất lượng.
Theo Báo Nhân Dân