Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, các doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới, có cơ hội tham gia thị trường carbon, phát triển kinh doanh theo hướng xanh và bền vững theo xu hướng thị trường. Ông Nguyễn Sỹ Linh (Ảnh), Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu – Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) đã chia sẻ về các yếu tố để doanh nghiệp có những bước chuyển đổi phù hợp và hiệu quả nhất.
Xin ông cho biết, những điểm nổi bật của các cam kết quốc tế liên quan tới biến đổi khí hậu hiện nay tác động tới Việt Nam như thế nào?
Cam kết quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, trước đây chỉ đơn thuần là vấn đề biến đổi khí hậu, còn bây giờ liên quan đến phát triển kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia có giá trị phụ thuộc vào xuất khẩu rất lớn, nhiều hàng hoá xuất khẩu. Chính vì thế, các cam kết quốc tế như: giảm phát thải ròng bằng 0, giảm phát thải metan toàn cầu, hay cam kết liên quan đến chấm dứt tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới… là những cam kết sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Chẳng hạn, về cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM của Liên minh châu Âu, trước mắt sẽ có 5 mặt hàng bị điều chỉnh về carbon và đánh thuế carbon. Các doanh nghiệp sản xuất khi muốn tham gia vào xuất khẩu thị trường carbon cần có những biện pháp về đánh giá phát thải nhà kính cũng như chuyển hướng sản xuất ít phát thải hay là phát thải carbon thấp để đáp ứng được những yêu cầu mà thị trường nhập khẩu, cụ thể là thị trường châu Âu và một số quốc gia khác đặt ra. Rõ ràng là những cam kết quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam, khi mà nền kinh tế định hướng về xuất khẩu.
Trước bối cảnh đấy, Chính phủ đã có những chính sách quan trọng, đặc biệt là cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 tại COP 26 và sau đấy là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050. Tuy nhiên, những giải pháp này mang tính định hướng quốc gia, việc truyền thông, cũng như thông tin đến các doanh nghiệp là rất cần thiết, để các doanh nghiệp biết rằng biến đổi khí hậu vừa tạo ra thách thức nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp.
Theo ông, nếu doanh nghiệp quyết tâm, mạnh dạn có các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động giảm phát thải hướng tới “Net Zero” sẽ nhận được những cơ hội như thế nào trong thời điểm hiện nay?
Đề cập đến ứng phó với biến đổi khí hậu có 2 khía cạnh, thứ nhất là thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là thời tiết cực đoan; thứ hai là giảm phát thải khí nhà kính.
Ở khía cạnh thứ nhất, khi nắng nóng hay điều kiện thời tiết cực đoan, những đầu tư của doanh nghiệp trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xây dựng hạ tầng để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn và đặc biệt là duy trì được hoạt động sản xuất mà không bị gián đoạn.
Đối với khía cạnh về giảm phát thải khí nhà kính, ngoài các quy định của trong nước như kiểm kê khí nhà kính, cũng như thực hiện các giải pháp về giảm phát thải khí nhà kính, thì có những quy định và những thông lệ quốc tế doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện. Tuy nhiên đây là sự chuyển dịch cần phải có thời gian và cũng cần sự nỗ lực. Nhưng với những doanh nghiệp thực sự đầu tư để thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đáp yêu cầu của thị trường, đặc biệt là yêu cầu về giảm “dấu chân” carbon, giảm phát thải khí nhà kính thì đó sẽ là cơ hội, bởi đó là những xu hướng của quốc tế.
Trong quá trình chuyển đổi đáp ứng các yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp Việt Nam nên xác định lộ trình và cách thức chuyển đổi như thế nào để tận dụng được cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu?
Đối với từng loại hình doanh nghiệp cần xác định những ưu tiên, cũng như yêu cầu riêng chứ không phải là chung cho tất cả các doanh nghiệp. Chẳng hạn doanh nghiệp sản xuất tiêu hao, sử dụng năng lượng nhiều thì chuyển dịch năng lượng theo hướng vừa sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, vừa chuyển đổi nguồn năng lượng phát thải lớn sang nguồn năng lượng tái tạo để giảm “dấu chân” carbon. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu việc giảm được “dấu chân” carbon như là tấm hộ chiếu, chứng nhận để tiếp cận với thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường đã yêu cầu tính toán về phát thải, “dấu chân” carbon cho từng sản phẩm.
Các doanh nghiệp liên quan đến chuỗi nông sản, đặc biệt là lúa gạo hay là cà phê, ca cao cần cập nhật những yêu cầu của thị trường, cần xem hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, vùng nguyên liệu có nằm trong khu vực có thể xuất hiện tình trạng phá rừng hay không, để từ đấy đảm bảo rằng hồ sơ hay các thông tin về sản phẩm, vùng nguyên liệu đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của các thị trường quốc tế.
Chính vì thế, đối với từng loại hình doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp và các khu vực, vị trí mà doanh nghiệp hoạt động cần có những định hướng về ứng phó biến đổi khí hậu khác nhau, để vừa đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng đồng thời cũng đáp ứng được các yêu cầu, quy định của trong nước cũng như là của quốc tế.
Theo ông, cần có thêm những trợ lực nào để doanh nghiệp có thể mạnh dạn hành động ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả và tận dụng cơ hội từ các hoạt động này?
Trong giai đoạn này Chính phủ, cơ quan quản lý cần có những trợ lực cho doanh nghiệp. Đầu tiên là thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin, đặc biệt là các cơ chế, chính sách mang tính chất toàn cầu, điều chỉnh và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giai đoạn đầu thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm kê phát thải khí nhà kính cũng như là các giải pháp về giảm phát thải. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế khuyến khích áp dụng các mô hình phát triển kinh tế carbon thấp, mô hình kinh doanh ít phát thải. Việc đưa ra những cơ chế khuyến khích cũng như hỗ trợ áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng phát thải thấp sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo đặc biệt là nghiên cứu về khoa học công nghệ trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải, thích ứng với tác động biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần có những ưu đãi đối với những hàng hóa hoặc dịch vụ được sản xuất theo phương thức carbon thấp hoặc là ít phát thải.
Xin cảm ơn ông!