Trong những phát biểu mới đây, đại diện lãnh đạo quốc gia và các doanh nghiệp tại châu Âu đã khẳng định cam kết hợp tác để doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam tận dụng cơ hội, đáp ứng các quy định và yêu cầu trong xuất nhập khẩu.
Yêu cầu ngày càng khắt khe
Hiện nay, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam bởi các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có EU luôn yêu cầu cao và chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường.
Từ tháng 10/2023, EU đã áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, từ quý 3/2023, EU đã ban hành và thông qua một loạt quy định liên quan đến phát triển xanh, bền vững, như nghĩa vụ báo cáo mục đích của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon trong giai đoạn chuyển tiếp; sửa đổi quy định về dư lượng tối đa thuốc trừ sâu… Bên cạnh đó, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều việc bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm.
Vì thế, với các doanh nghiệp Việt Nam, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ cần nguồn lực lớn về tài chính, nhân sự mà phải có kinh nghiệm và kỹ năng để ứng dụng thành công, đáp ứng theo đúng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, sự hỗ trợ và hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp quốc tế là hướng đi cần thiết, vừa tận dụng được năng lực mạnh từ các doanh nghiệp vừa giúp doanh nghiệp tìm đúng “đường” để thực hiện.
Thực tế, nhiều chương trình hợp tác, đầu tư từ các quốc gia châu Âu đã đổ vào Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp như vào cuối năm 2022, Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế, bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã thông qua thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Nhóm đối tác quốc tế cam kết huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong 3-5 năm để hỗ trợ Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đặc biệt, nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam cũng được các ngân hàng tại châu Âu hỗ trợ các khoản vay ưu đãi để dành cho phát triển kinh tế xanh. Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) đã ký kết Ý định thư về hợp tác cho vay trung dài hạn lên tới 100 triệu USD với kỳ hạn lên tới 9 năm nhằm mục đích tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và các dự án xanh. Hay BIDV cũng đã trở thành đối tác chiến lược của các nhà tài trợ quốc tế như Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong triển khai các dự án xanh tại Việt Nam…
Nhiều cơ hội hợp tác tiếp tục được mở ra
Ngày 1/11 vừa qua, Việt Nam và Đan Mạch đã tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP). GSP là thỏa thuận hợp tác đôi bên cùng có lợi với mục đích thúc đẩy hợp tác chính trị, mở rộng quan hệ kinh tế liên quan đến tăng trưởng xanh. Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, GSP sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng về chuyển đổi xanh cũng như thực hiện cam kết quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Vì thế, vị này khẳng định, dựa trên mối quan hệ này, Đan Mạch có thể đóng góp bằng các kinh nghiệm, tri thức, công nghệ và giải pháp xanh. Hơn nữa, hai nước cũng sẽ đẩy mạnh việc trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực hành tốt nhất, tăng cường xây dựng năng lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ…
Còn tại Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức mới đây, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã đưa ra lưu ý, các doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung ứng cần phải tuân thủ các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về sản xuất bền vững. Vì thế, Thủ tướng Hà Lan đã đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện điều này.
Tương tự, Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis ủng hộ việc tăng cường hợp tác xung quanh thỏa thuận xanh của EU và các công nghệ xanh, từ đó kêu gọi duy trì các cam kết và thúc đẩy hỗ trợ cho năng lượng xanh, tăng trưởng xanh.
Cũng nói về vấn đề này, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết, các doanh nghiêp châu Âu tại Việt Nam đã hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các sáng kiến xanh tiên tiến tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ trong quá trình chuyển đổi xanh và cũng đang hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những ngành chủ chốt như dệt may, da giày và thủy sản.
Theo Haiquanonline