Kích thích tiêu dùng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Thời điểm này, các doanh nghiệp đang triển khai mạnh mẽ, tham gia sâu hơn vào các chương trình bán hàng cuối năm để đẩy mạnh doanh số. Trong đó, khuyến mãi được coi là biện pháp kích cầu hiệu quả.
Còn vài ngày nữa là đến tuần lễ thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia với sự tham gia của 500 nhãn hàng và 3.000 doanh nghiệp (DN). Đáng chú ý một số sàn TMĐT kết hợp với DN đưa ra chương trình khuyến mãi giảm giá mạnh cho hàng hoá được bán ở trên sàn, với kỳ vọng chốt được 3 triệu đơn hàng.
Kỳ vọng “mùa vàng”
Bà Lê Hoàng Oanh- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết: Tuần lễ TMĐT sẽ đem đến những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm, đồng thời xây dựng một mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa cộng đồng DN từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho TMĐT.
Đã tham gia bán hàng trên sàn TMĐT từ năm 2020 nhưng chưa chú trọng đầu tư, chị Nguyễn Thu Trang – chủ hộ kinh doanh thiết bị phụ tùng xe máy chia sẻ, vai trò của TMĐT với nhà bán hàng nhỏ và mới như chị rất quan trọng. Khách hàng chủ yếu mua online.
“Tôi đang nỗ lực đầu tư để cửa hàng được review (đánh giá) tốt hơn nữa, và cũng tham gia các khóa học chốt đơn online để hàng hoá bán được nhiều hơn. Thời điểm Tết là cơ hội vàng để lưu thông hàng hóa, nên phải tranh thủ” – chị Trang nói.
Theo báo cáo Bộ Công thương, lượng hàng hóa sử dụng vào các dịp Tết thường có xu hướng tăng 15-30% so với bình thường trong năm gần đây. Năm nay, theo báo cáo của các đơn vị phân phối lớn, con số vẫn tăng lên nhưng có thể sẽ thấp hơn so với mọi năm, khoảng 7 – 15%.
Đầu tiên, các nhãn hàng kết hợp với các chuỗi bán lẻ tung khuyến mãi để kích thích tiêu dùng. Chẳng hạn Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) tung ra thị trường gần 5.000 sản phẩm được trợ giá dưới hình thức giảm giá trực tiếp, tặng kèm sản phẩm, giảm bằng giá gốc, mua càng nhiều ưu đãi càng lớn… qua đó giúp khách hàng tiết kiệm từ 10 – 50% ngân sách chi tiêu. Chương trình “Sắm thả ga có Co.opmart trợ giá” được tổ chức với sự phối hợp của hơn 1.000 đối tác kinh doanh nhằm giúp khách hàng mua sắm những mặt hàng thiết yếu cho gia đình và bản thân với mức chi tiêu tiết kiệm tối đa, qua đó chuẩn bị “hầu bao” để bước vào cao điểm mua sắm cuối năm với những ngày lễ lớn như: Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024.
Tương tự, MM Mega Market Việt Nam triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm từ 10-30% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến dịp Tết nhằm kích cầu mua sắm.
Bước vào mùa mua sắm cuối năm, chuỗi hệ thống bán lẻ WinCommerce liên tục triển khai các chương trình “giá tốt”, mang sản phẩm chất lượng với giá thành phải chăng tới người tiêu dùng. Theo đó hơn 3.600 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/WIN trên toàn quốc diễn ra chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng.
Cuộc đua nước rút
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 cả nước ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, đơn hàng dệt may đã bắt đầu ấm lên, nhưng cũng chỉ mới phục hồi khoảng 80% so với trước đây. Mặc dù thị trường xuất khẩu chưa đạt mục tiêu như những năm trước, nhưng đây cũng là động lực để các doanh nghiệp (DN) tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho những tháng cuối năm.
Được xác định là một trong những mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm như lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, các công ty sản xuất cung ứng hàng hoá cũng đang chạy nước rút phục phụ khách hàng. Ông Nguyễn Ngọc An – Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) cho biết, từ tháng 6, công ty đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau Tết. Công ty cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết. Từ nay cho đến các ngày cận Tết, VISSAN sẽ thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10% – 20% vào các ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá lên đến 30% trong những ngày sát Tết.
Nhìn nhận tổng thể về thị trường cuối năm, chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình cho rằng, các DN kỳ vọng thị trường sẽ được phục hồi nhanh hơn vào giai đoạn cuối năm. Cơ quan quản lý cần thực sự tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng DN và tháo gỡ những khó khăn về quy định pháp luật. Đặc biệt, việc nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp để các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Theo ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thời gian này, người tiêu dùng tiết kiệm hơn, tiêu dùng thông minh và quan tâm nhiều đến tiêu dùng thiết yếu. Từ đó ông Đức cũng cho rằng các DN bán lẻ cần phải chủ động để thích ứng với thị trường như cơ cấu nguồn hàng hóa, đón đầu xu thế phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đặc biệt tận dụng hiệu quả kinh tế số của ngành bán lẻ.
TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng, thúc đẩy tiêu dùng là động lực tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần phải xử lý. Trong tiêu dùng, bán lẻ là chủ yếu nhưng lại đang có xu hướng suy giảm. Muốn thúc đẩy tiêu dùng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì cần phải có nhiều giải pháp.
Giảm giá, giảm thuế, tăng cho vay tiêu dùng
Dịp cuối năm là mùa vàng cho DN, nhưng làm thế nào để bán được hàng nhiều, làm sao để người dân có thêm tiền để mạnh dạn chi cho mua sắm cuối năm?
Là khách hàng thường xuyên mua sắm ở siêu thị, chị Nguyễn Thị Minh Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn, hàng hóa nhiều nhưng quan trọng là phải có tiền mới mua sắm được. “Cuối năm cũng muốn mua sắm nhiều để biếu bên nội, bên ngoại nhưng đến thời điểm hiện tại, tiền vẫn chưa thấy đâu” – chị Phương tâm tư, khi mà, lương thưởng Tết liệu tăng hay giảm còn chưa biết…
Trao đổi với báo giới, chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần phải đưa giá hàng hóa xuống thấp, nhất là sản phẩm thiết yếu, thì người tiêu dùng mới có thể mua được khi thu nhập đang sụt giảm. Giá cả một số hàng hóa chưa thực sự tốt, do phải qua quá nhiều khâu trung gian làm đẩy giá lên từ 30 – 40%, có khi tăng gấp 2, gấp 3. Chính vì vậy giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao. Đây cũng là một nút thắt làm cho sức mua bị ảnh hưởng và ảnh hưởng ngược lại đến sức sản xuất.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giảm giá hàng tiêu dùng; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phân tích, khu vực DN cần được tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác thực thi các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như việc tiếp tục thực hiện chính sách về giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2024, hay các chính sách về giãn hoãn thuế, phí… để kinh tế tiếp tục phục hồi và tiêu dùng tăng lên. Cùng với đó là những chính sách để tái cấu trúc công nghiệp, đầu tư để tạo điều kiện tổng thể cho DN đón bắt cơ hội.
Về phía các DN, ông Cường lưu ý cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt nhanh những cơ hội từ các thị trường mới để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là cần quan tâm đến vấn đề tái cấu trúc DN, bởi trong thời gian khủng hoảng như vừa qua, việc phân bổ lại chuỗi cung ứng đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho DN.
TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT HÀNG HÓA CUỐI NĂM Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian ận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Kế hoạch được triển khai từ ngày 20/11/2023 đến 29/2/2024. Đối với các tỉnh biên giới, yêu cầu các đơn vị QLTT phối hợp với Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành, Kiểm dịch động vật… tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng hóa vận chuyển trái phép từ khu vực tuyến biên giới đường bộ, đường biển vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ; rà soát, giám sát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, chợ biên giới. Các Cục QLTT tỉnh, thành phố trong nội địa tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán. |
Theo Báo Đại đoàn kết