Tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), Việt Nam sẽ thể hiện vị thế tích cực, chủ động và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm Việt Nam là ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân.
COP28 sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12/2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự sự kiện quan trọng này.
Trước thềm hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã có những chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về vị thế, vai trò, mục tiêu và đóng góp của Việt Nam tại COP28.
Việt Nam có kế hoạch hành động ngay lập tức hiện thực hóa các cam kết tại COP26
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có kế hoạch hành động ngay lập tức nhằm hiện thực hóa các cam kết tại COP26. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua?
Thứ trưởng Lê Công Thành: Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo, các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan đã tích cực, trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công.
Đến nay, nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai thực hiện: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030; Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022; Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia theo hướng giảm mạnh điện than, thay thế bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, điện khí LNG; Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP tại Việt Nam.
Các bộ, ngành cũng đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp.
Theo kế hoạch, COP28 sẽ đưa ra đánh giá chính thức đầu tiên về nỗ lực của nhân loại trong việc tôn trọng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tham vọng giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Xin ông chia sẻ thêm về ý nghĩa và các nội dung xung quanh kỳ họp quan trọng này?
Thứ trưởng Lê Công Thành: Hội nghị COP28 sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12/2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023. Theo thông tin của Ban tổ chức, đến nay có hơn 130 Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước tham dự và dự kiến sẽ có khoảng 70.000 đại biểu từ 197 quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan khác.
Trong khuôn khổ COP28, Hội nghị thượng đỉnh Hành động vì khí hậu sẽ diễn ra vào hai ngày từ 1 đến 2/12/2023 với sự tham dự của các Nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của các quốc gia. Đây là diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris.
Tôi cho rằng, COP28 năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây sẽ là Hội nghị đầu tiên toàn thế giới thực hiện đánh giá nỗ lực toàn cầu (Global Stocktake), bên cạnh đó các quốc gia sẽ tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung chính khác gồm: giảm phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu, tài chính khí hậu, các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Tại COP28 lần này, chủ nhà UAE xây dựng bản kế hoạch hành động chi tiết, dựa trên kết quả của rất nhiều cuộc thảo luận, trao đổi và lấy ý kiến của chính phủ các nước và các bên liên quan. Ngoài các hoạt động theo quy định của Công ước khí hậu, Thỏa thuận Paris, nước chủ nhà sẽ đưa ra các hoạt động theo chủ đề nhằm thúc đẩy hợp tác và tạo đồng thuận đối với các vấn đề còn vướng mắc trong đàm phán.
Nhiều quốc gia mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu
Việt Nam ngày càng được thế giới ghi nhận trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Liên tiếp tại các COP, chúng ta đã đưa ra những kinh nghiệm và sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu được đánh giá cao. Xin ông cho biết Việt Nam đã chuẩn bị những gì và có vị thế, vai trò như thế nào tại COP28?
Thứ trưởng Lê Công Thành: Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về phát thải khí nhà kính. Song Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đi đôi với chuyển đổi năng lượng công bằng. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu cũng sẽ là kinh nghiệm cho các nước khác và những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể cho nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu. Đây cũng là sự quan tâm của các đối tác tại COP28.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam, hành động của Việt Nam sẽ có tác động đáng kể cho thành công của Hội nghị và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngay trước khi COP28 diễn ra, nhiều quốc gia đã mong muốn Việt Nam tham gia vào các Sáng kiến và dự kiến Việt Nam sẽ tham gia các sáng kiến quan trọng tại COP28 lần này, trong đó có Cam kết làm mát toàn cầu và Sáng kiến thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris…
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ xem xét tham gia một số Sáng kiến khác như: Cam kết về hiệu quả năng lượng và tái tạo toàn cầu COP28; Tuyên bố COP28 về Khí hậu và Sức khỏe; Nhóm các nước ủng hộ hành động vì biến đổi khí hậu liên quan đến văn hóa tại UNFCCC; Tuyên bố về Hệ thống thực phẩm linh hoạt, Nông nghiệp bền vững và Hành động về khí hậu; Chuyển đổi công bằng có trách nhiệm giới và Đối tác hành động vì khí hậu…
Quan điểm Việt Nam tham dự Hội nghị là ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Sự quan tâm dành cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu phải như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Việt Nam không đưa ra cam kết mới tại Hội nghị COP28 và dự kiến sẽ nêu quan điểm về việc cần tăng cường đoàn kết toàn cầu, thống nhất tầm nhìn mới, có tư duy mới mang lại đột phá trong triển khai, đưa ra quyết tâm mới để hành động quyết liệt, hiệu quả và thông qua giải pháp toàn cầu, toàn diện, đổi mới và sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại phía sau bất cứ một quốc gia, cộng đồng hay người dân nào.
Đồng thời kêu gọi các quốc gia, tổ chức, tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Các nước phát triển cần giữ vai trò tiên phong đi đầu, tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua cung cấp tài chính, nhất là viện trợ không hoàn lại, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực; cần bảo đảm công bằng, công lý khí hậu.
Điều đó đồng nghĩa với đảm bảo tự chủ và an ninh lượng quốc gia, khả năng tiếp cận năng lượng sạch với chi phí phải chăng cho mọi doanh nghiệp và người dân và việc làm cho người lao động. Cần tăng cường tài chính cho thích ứng và sớm đưa Quỹ Tổn thất và thiệt hại đi vào hoạt động để tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại COP28 năm nay, Việt Nam sẽ có Phòng sự kiện để giới thiệu về nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Hội nghị cũng sẽ diễn ra Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam.
Việc Việt Nam công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại COP28 nhằm vận động các đối tác quốc tế hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư vào các dự án chuyển đổi năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.
Cụ thể hóa các cam kết trong quyết sách phát triển của mỗi quốc gia
COP28 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với rất nhiều thách thức. Các ý kiến cho rằng COP28 cần tập trung vào hành động thay vì chỉ đưa ra các tầm nhìn. Ông kỳ vọng gì vào kết quả của COP28?
Thứ trưởng Lê Công Thành: Có thể thấy, COP28 là hội nghị của hành động vì khí hậu và Việt Nam kỳ vọng Hội nghị COP28 sẽ đạt những bước tiến thực chất trong nhiều lĩnh vực nhằm ứng phó biến đối khí hậu. Trong đó có việc thống nhất thông qua hướng dẫn thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris để làm cơ sở cho các quốc gia triển khai cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon gắn với việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Chúng ta kỳ vọng các cam kết đã đưa ra phải được cụ thể hóa trong quyết sách phát triển của mỗi quốc gia, tổ chức; phải được thực hiện và định kỳ giám sát, đánh giá. Các quốc gia cũng có hành động thực hiện nghiêm túc những gì đã cam kết không chỉ góp phần ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn củng cố lòng tin giữa các quốc gia.
Ngoài ra, mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm đưa ra từ năm 2015 cần phải đạt được ngay tại Hội nghị này. Mục tiêu tài chính cho giai đoạn đến 2025 và sau 2025 cũng phải được thống nhất để huy động ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm, đáp ứng nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển, trong đó đảm bảo tăng gấp đôi nguồn lực cho thích ứng biến đổi khí hậu. Quỹ tổn thất và thiệt hại phải sớm đi vào vận hành trong thực tế với đầy đủ nguồn lực và thuận lợi cho các nước đang phát triển tiếp cận.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
The Báo Chính phủ