02/08/2024

Vinamilk ‘xuất ngoại’ kỷ lục và câu chuyện rạng danh thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài

Quý II/2024, doanh thu từ xuất khẩu của Vinamilk đã tăng đến 37% so với cùng kỳ, tiếp tục khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường.

Thương hiệu Việt rạng danh trên thế giới

Theo thông tin mới nhất Vinamilk vừa công bố, doanh thu mảng xuất khẩu của doanh nghiệp này đã đạt 1.740 tỷ đồng quý II/2024, tăng 37% so với cùng kỳ, góp phần giúp Vinamilk ghi nhận doanh thu kỷ lục trong hai năm qua. Thị trường quốc tế đóng góp 18,5% doanh thu hợp nhất của hãng sữa lớn nhất Việt Nam trong quý II.

Đại diện Vinamilk cho biết giữa bối cảnh thế giới vẫn biến động, doanh nghiệp liên tục cải tiến sản phẩm, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đối tác ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Đây cũng là cơ sở giúp hãng tăng trưởng bốn quý gần nhất.

Vinamilk ‘xuất ngoại’ kỷ lục và câu chuyện rạng danh thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài
Sữa Vinamilk được bán ở siêu thị Singapore (Ảnh minh hoạ)

Ngoài đẩy mạnh thị trường truyền thống, Vinamilk theo đuổi xu hướng mới – cung cấp cho các chuỗi toàn cầu. Cụ thể, bên cạnh thị trường quen thuộc là Trung Quốc và một số nước châu Á, hãng cũng tích cực đưa sản phẩm đến nhiều nơi ở châu Đại Dương, châu Phi, Nam Mỹ…

Được biết, Vinamilk đã nhiều năm “mang chuông đi đánh xứ người” và thu được kết quả tích cực. Từ năm 2016, Vinamilk còn vinh dự trở thành một trong doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Công Thương ưu tiên cho phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá – một bước rất quan trọng để doanh nghiệp chủ động, rút ngắn tối đa thủ tục hành chính trong xuất khẩu. Tất nhiên, để có được tấm “giấy thông hành” quan trọng này, Vinamilk phải chứng minh năng lực bằng con số xuất khẩu ấn tượng, cũng như chứng minh chất lượng, uy tín trên thị trường quốc tế.

Cùng với Vinamilk, hiện nhiều sản phẩm hàng Việt Nam đã khẳng định vị thế và tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường nước ngoài nhờ xây dựng thành công thương hiệu. Câu chuyện Trung Nguyên liên tục mở rộng hệ thống phân phối ở những thành phố sầm uất bậc nhất Trung Quốc, Hoa Kỳ mới đây cũng khiến nhiều người tiêu dùng tự hào về những thương hiệu Việt Nam rạng danh ở thị trường nước ngoài.

Hoặc, ngày 28/7/2023, VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất ô tô điện tại Mỹ, sau đó đã niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ với vai trò là công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất với hơn 23 tỷ USD. Điều này không những đưa thương hiệu của VinFast ra thế giới, mà nhìn rộng ra, còn đưa tên tuổi của doanh nghiệp Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Ra thế giới bằng thương hiệu của chính mình, không thể không nhắc tới gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi World’s Best Rice 2019 (Gạo ngon thế giới) và dần dần được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng. Năm 2022, Tập đoàn Tân Long đưa sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An vào thị trường Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại xứ sở mặt trời mọc, một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới.

Những nỗ lực bền bỉ

Tất nhiên, để có được kết quả này không hề dễ dàng mà đó là sự đầu tư mạnh mẽ và bền bỉ của doanh nghiệp trong hàng chục năm trời. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu (trường Đại học Thương mại), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam phải có những bước đi bài bản, chiến lược khôn ngoan. Sản phẩm cần đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, phát triển bền vững, đồng thời phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường.

Quay lại với câu chuyện của Vinamilk, đây là một trường hợp thành công tiêu biểu của việc nắm bắt tốt các yêu cầu của thị trường và không ngại đầu tư cho yếu tố phát triển bền vững. Đại diện Vinamilk chia sẻ, hiện nay, hầu hết các đối tác của Vinamilk ở các nhóm thị trường phát triển đã đề cập về các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững và Vinamilk đã nỗ lực đầu tư để đáp ứng các yêu cầu này.

Ví dụ, tại New Zealand và Úc, nơi có yêu cầu cao về yếu tố môi trường, Vinamilk đặt mục tiêu trước 2025 toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu sang 2 thị trường này đều sử dụng bao bì HDPE (bao bì dễ tái chế). Hiện các sản phẩm xuất khẩu cung ứng đến New Zealand và Úc đều không có ống hút nhựa, nắp dễ mở hơn nhằm giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Việc nhận định và đánh giá khá sớm sự quan trọng của yếu tố phát triển bền vững giúp Vinamilk đạt được những kết quả bước đầu tương đối khả quan. Thị trường châu Úc tăng trưởng doanh số hơn 10% mỗi năm, sản phẩm được Vinamilk sản xuất đang được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn: Costco, Woolworths, Coles, Aldi, Foodstuff… và liên tục có các dự án phát triển sản phẩm mới cho thị trường này.

Theo Báo cáo thực phẩm và đồ uống toàn cầu năm 2023, do Brand Finance công bố mới đây, Vinamilk là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt top 5 Thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu (theo chỉ số Giá trị nhận thức về tính bền vững – SPV).

Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương nhận định, xây dựng thương hiệu không dễ, không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp phải có được nguồn vốn nhất định, sự đầu tư, mà đây còn là câu chuyện của chiến lược bài bản. Tuy nhiên, đổi lại, cái giá mà doanh nghiệp nhận được không hề nhỏ. Đó không chỉ là giá trị đo được bằng tiền, mà còn là giá trị thương hiệu doanh nghiệp. Xa hơn là giá trị của thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp ở cả trong nước và nước ngoài đã và đang là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết khi nhiều “cánh cửa” ra thị trường thế giới của doanh nghiệp đang được mở qua các hiệp định thương mại tự do. Tận dụng “bệ đỡ” từ chính sách giảm thuế từ các FTA để xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để hàng hóa Việt Nam nâng cao giá trị, duy trì thị phần tại thị trường xuất khẩu, góp phần từng bước xây dựng và đưa thương hiệu Việt rạng danh trên thị trường quốc tế.

Theo Công thương.

Bài viết liên quan