Trong bối cảnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang trở thành xu hướng được lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới, áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng, việc xanh hóa các khu công nghiệp, khu kinh tế để đón dòng vốn đầu tư xanh là yêu cầu bắt buộc.
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024 diễn ra chiều 30/7 tại TPHCM.
Chia sẻ về những số liệu tổng quan thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, theo ông Tom Over, Giám đốc Vận tải và công nghiệp JLL Vietnam châu Á – Thái Bình Dương, cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia nổi bật trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia là 3 quốc gia được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, trong đó, Việt Nam là quốc gia mang lại nhiều cơ hội nhất.
Theo nghiên cứu của JLL, về số lượng nhà kho, nếu như năm 2019 Việt Nam chỉ có khoảng 8,1 triệu m2, thì đến năm 2023 đã đạt 14,1 triệu m2. Điều này có thể thấy thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng. “Tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam so với năm ngoái. Chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển. Thông điệp chung của tôi là hành trình vẫn còn rất dài và chúng ta mới ở đầu hành trình thôi”, ông Tom Over nhấn mạnh.
Khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của DN FDI
Theo các chuyên gia, thời gian qua, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang trở thành xu hướng được lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới, áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng, việc xanh hóa các khu công nghiệp, khu kinh tế để đón dòng vốn đầu tư xanh là yêu cầu bắt buộc.
Hiện nay, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đặc biệt gắn với các tiêu chí ESG theo yêu cầu của các chuỗi ngành hàng.
Là một nhà phát triển bất động sản công nghiệp tầm cỡ toàn cầu, đã tham gia đầu tư phát triển 11 khu công nghiệp tại Việt Nam, ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc Công ty SLP Việt Nam cho biết: “Đối với nhà kho, nhà xưởng hay kho lạnh, theo quan điểm của tôi, nên được đặt trong một hệ sinh thái. Quy mô nào hay việc gọi tên là một khu công nghiệp cho các loại hình này, theo tôi, không quan trọng bằng việc dự án đó, tổ hợp đó, có gắn với một hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ hay không. Hệ sinh thái về công nghiệp, hoặc vị trí mới tạo ra nhu cầu, và mới có khả năng để phát triển”.
Ông Nam cho biết, qua thực tế đầu tư, SLP Việt Nam vẫn nhìn thấy sự tích cực về dài hạn. Điểm sáng của nền kinh tế và tiềm năng thu hút vốn của Việt Nam so với các nước trong khu vực là lợi thế. Bên cạnh đó, giá thuê đất vẫn thấp so với khu vực, nguồn nhân công và xu hướng đa dạng hoá nơi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia cũng là lợi thế của Việt Nam. Thực tế cho thấy, hơn 6 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư tăng cường hoạt động đầu tư, mở rộng nhà máy tại thị trường Việt Nam.
Ông Tom Over, cho biết, bên cạnh những ưu thế thì Việt Nam cũng có những rào cản, thách thức để thúc đẩy phát triển khu công nghiệp. Đó là thiếu lộ trình triển khai toàn diện và khung pháp lý hỗ trợ; nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển khu công nghiệp sinh thái; thiếu những quy định cụ thể khi chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái; hệ thống pháp luật liên quan đến khu công nghiệp sinh thái vẫn chưa được đồng bộ…
Hiện nay, để tạo thể chế, chính sách cho sự phát triển của mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Bên cạnh đó, Bộ cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt đối với các mô hình khu công nghiệp mới.
Hiện nay, nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xác định việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, qua đó, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.