Ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ A+ đánh giá, dư địa cho quỹ đầu tư xanh tại Việt Nam đang ngày càng rộng mở, mang lại cơ hội thu hút nguồn vốn lớn cho các dự án xanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để khai thác tối đa cơ hội này, doanh nghiệp cần “hiểu mình”, “hiểu người”.
– Thực hiện các cam kết tại COP26, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong xu thế đó, không thể không nhắc đến vai trò của các quỹ đầu tư. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Ông Quan Đức Hoàng: Phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của thế giới, là sự tiếp nối và nâng cao của các nỗ lực thúc đẩy ESG (môi trường, xã hội và quản trị) từ 20 năm trước. Xu hướng này không chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững mà còn định hướng, thúc đẩy tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiêu dùng và sử dụng, quản lý tài nguyên một cách hiệu quả, từ đó tạo ra những giá trị kinh tế và xã hội lớn hơn.
Ví dụ, nếu như trước đây, khi sản xuất, chúng ta chỉ nghĩ tới việc bán hàng thì giờ đây, chúng ta nghĩ xa hơn, tới cả việc tái sử dụng khi sản phẩm đã hết vòng đời. Trên thế giới, đã có một số hãng ô tô tiến hành thu mua xe cũ để tái chế, tận dụng lại những vật liệu có thể sử dụng được để sản xuất xe mới; hay như hãng Philips của Hà Lan tái sử dụng các bóng đèn tuýp để sản xuất đèn mới. Tại Việt Nam, một số công ty chuyên xử lý rác thải công nghiệp, sử dụng lò đốt rác để đốt một phần rác thải và tạo ra điện năng, phần rác thải còn lại được đưa vào nhà máy tái chế, các vật liệu như sắt thép, nhôm được thu hồi và chế biến thành inox. Sản phẩm inox sau đó được bán cho các nhà sản xuất như Honda để làm khung xe máy.
Tôi cũng muốn nhắc tới một khoản đầu tư của chúng tôi trong ngành lương thực thực phẩm, công ty này có hoạt động kinh doanh chính là chế biến gạo xuất khẩu nhưng cũng sản xuất cả thức ăn chăn nuôi thuỷ sản (aqua products). Trong quy trình sản xuất, các phụ phẩm từ quá trình xay xát gạo như cám và tấm được sử dụng để sản xuất thức ăn cho cá. Ngay cả trong ngành xây dựng – một ngành gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh và tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường vào quy trình, doanh nghiệp vẫn có thể đóng góp vào sự chuyển đổi này bằng cách chú trọng đến việc tái sử dụng nước hay tận dụng nguồn nước mưa,… như một cách hỗ trợ cho mục tiêu phát triển bền vững.
Là một phần quan trọng của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh cung cấp các công cụ tài chính và nguồn lực cần thiết để thực hiện các mục tiêu liên quan đến bảo vệ môi trường, bao gồm tín dụng xanh, trái phiếu xanh… Trong đó, các quỹ đầu tư xanh không chỉ có vai trò cung cấp vốn mà còn đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý rủi ro, giúp các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn và thực hành bền vững.
Bằng cách đầu tư vào các công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và các giải pháp kinh tế tuần hoàn, các quỹ đầu tư giúp tạo ra những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất và tiêu thụ, hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững hơn. Tóm lại, vai trò của quỹ đầu tư xanh là làm sao thu hút nguồn tiền từ các nhà đầu tư rồi phân bổ vào các dự án phù hợp, đáp ứng các tiêu chí xanh.
– Được biết, hai quỹ đầu tư do ông sáng lập và điều hành đã thu xếp hàng trăm triệu USD cho các doanh nghiệp nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo. Ông có thể chia sẻ thêm về định hướng của các quỹ?
Chúng tôi có một quỹ xanh đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, bao gồm cả hệ thống năng lượng tái tạo phục vụ cho các nhu cầu thương mại và công nghiệp C&I (Commercial & Industrial), các dự án năng lượng điện mặt trời (solar farm) và điện gió (wind farm).
Quỹ thứ hai là Quỹ A+, hoạt động theo hình thức private credit (tín dụng tư nhân), tập trung cung cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Khác với các quỹ private equity (đầu tư trực tiếp) đòi hỏi doanh nghiệp phải nhượng lại một phần quyền sở hữu (thường là 30-40%) để nhận đầu tư, Quỹ A+ giúp các SMEs có thể vay tiền và trả lãi suất định kỳ mà không phải nhượng quyền sở hữu.
Bản thân tôi đặc biệt quan tâm đến ngành nông nghiệp của Việt Nam và một trong những định hướng chính của quỹ A+ là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp xanh đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng ta biết rằng, 80% dân số Việt Nam vẫn làm nông nghiệp. Sở hữu lợi thế về tài nguyên, nhân công, lại được “trời thương” với điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, Việt Nam có rất nhiều mặt hàng đứng thứ hai trên thế giới như gạo, cà phê, tiêu, tôm,… Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng ta mới xuất khẩu dưới dạng hàng thô. Do đó, tôi hy vọng rằng với sự hỗ trợ Quỹ A+, các doanh nghiệp đầu ngành, các doanh nghiệp tâm huyết có thể tăng trưởng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị hàng nguyên phẩm và hướng tới xuất khẩu hàng hóa đã qua chế biến ra nước ngoài.
Ngoài ra, quỹ A+ cũng đầu tư vào ngành nghề khác như hàng tiêu dùng, giáo dục, y tế,… Chúng tôi không đầu tư vào bất động sản vì quỹ còn nhỏ và nếu tham gia, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào các dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang kêu gọi một quỹ đầu tư thứ ba, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm sau và mang về Việt Nam khoảng 100 triệu USD. Quỹ này sẽ đầu tư vào khoảng 8 đến 12 doanh nghiệp, với mức đầu tư cho mỗi doanh nghiệp dao động từ 150 đến 300 tỷ đồng.
Nhìn chung, các tiêu chí về xanh, tuần hoàn, quản trị, minh bạch luôn nằm trong danh mục tiêu chí đánh giá các khoản đầu tư tiềm năng của chúng tôi.
– Thực tế, các quỹ đầu tư xanh đang chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Xin ông cho biết, đâu là những cơ hội và thách thức mà các quỹ đầu tư xanh tại Việt Nam phải đối mặt?
Đúng là ở Việt Nam hiện chưa có nhiều quỹ đầu tư xanh chuyên biệt. Đa phần các quỹ thường chỉ có một phần liên quan đến đầu tư xanh hoặc đến từ nước ngoài.
Khi vận hành một quỹ đầu tư xanh tại Việt Nam, một trong những thách thức chính là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về tiêu chí “xanh” trong ngành nghề của họ. Ví dụ, trong ngành xây dựng hay bất động sản, để thực hiện các dự án xanh, doanh nghiệp cần đổi mới phương thức làm việc và câu hỏi liệu việc “xanh hóa” có mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn không vẫn luôn là một vấn đề lớn.
Về dài hạn, tôi nghĩ thị trường tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Càng nhiều quỹ xanh tham gia, thị trường càng phát triển mạnh mẽ. Chợ càng đông thì càng vui. Mong rằng sẽ có nhiều quỹ xanh về Việt Nam, cùng chúng tôi khai thác thị trường và giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
– Ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh của doanh nghiệp Việt Nam? Doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, thưa ông?
Tôi cho rằng, doanh nghiệp nào cần vốn cũng đều phải tìm hiểu cách thức tiếp cận. Phải thừa nhận rằng, tiếp cận nguồn vốn xanh không phải lúc nào cũng đơn giản.
Trước đây, nhiều cơ quan báo chí về đầu tư và tài chính đã mời tôi tham gia các hội nghị, hội thảo dành cho các nhà sáng lập, chủ doanh nghiệp, để giải thích và hướng dẫn họ cách tiếp cận nguồn vốn xanh. Chúng tôi có thể gặp 200-300 doanh nghiệp Việt Nam mỗi năm, nhưng ngoài kia, còn hàng ngàn doanh nghiệp chưa thể tiếp cận. Do đó, việc phổ biến thông tin trên các kênh phương tiện truyền thông đại chúng là rất cần thiết để doanh nghiệp hiểu và tiếp cận thị trường tài chính xanh.
Ngoài ra, thông tin trên các mạng quốc tế cũng rất phong phú và hữu ích. Theo tôi, mỗi doanh nghiệp nên tự tìm hiểu thông tin từ các nguồn này. Không thể phủ nhận, khi tìm kiếm nguồn vốn, doanh nghiệp đã theo quen đi theo “lối cũ” là tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nên đối với nguồn vốn xanh, nguồn vốn quốc tế sẽ phần nào nảy sinh tâm lý e ngại. Nếu may mắn có duyên, họ có thể tìm đến quỹ của chúng tôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và kết nối.
Tuy nhiên, theo tôi, để nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, các chủ doanh nghiệp và giám đốc tài chính cần nắm rõ tiêu chí xanh của ngành mình trước khi tìm đến các quỹ tài chính xanh. Họ cần hiểu tại sao quỹ cần mình và tại sao mình cần quỹ, cũng như lợi thế cạnh tranh của mình là gì. Không phải doanh nghiệp cứ “làm xanh” là được đầu tư, vì trong kinh doanh cốt lõi vẫn là lợi nhuận. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng họ có thể mang lại lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Sau các hội nghị từ COP26 đến nay là COP28, đầu tư vào tài chính xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, biến đổi khí hậu,… đã trở thành một xu thế trên phạm vi toàn cầu. Rất nhiều tiền đang trực chờ trên thị trường tài chính xanh, với nhiều loại quỹ đầu tư khác nhau, từ quỹ đầu tư trực tiếp (private equity) cho các doanh nghiệp phi niêm yết cho các đến quỹ đầu tư gián tiếp (ETF) cho các doanh nghiệp niêm yết.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đã có những công ty điện tái tạo gọi được vốn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có vốn xanh; các công ty sữa cũng bắt đầu “xanh hoá” và tiếp cận được nhiều nguồn vốn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tiếp cận nguồn vốn xanh không khó nếu doanh nghiệp tìm hiểu thật kỹ.
– Là người đi nhiều, gặp nhiều, ông nhìn nhận thế nào về “khẩu vị” của quỹ đầu tư quốc tế tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xanh? Theo ông, đâu là những trở ngại khiến nguồn vốn xanh quốc tế và doanh nghiệp Việt chưa đến được với nhau?
Các quỹ đầu tư luôn luôn đi theo xu hướng của thị trường và trước tiên là muốn tìm các doanh nghiệp tốt. Xanh hóa hay chuyển đổi số là một vài trong số các tiêu chí khác nhau để đánh giá một doanh nghiệp tốt và cho thấy họ sẵn sàng thay đổi về mặt quản trị. Thực tế, khi doanh nghiệp tiếp cận với các quỹ, có thể các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ đưa ra định hướng hoặc nhìn nhận một số vấn đề khác so với chủ doanh nghiệp. Lúc này, cả hai bên sẽ phải bàn bạc về phương thức thay đổi. Nếu các “ông chủ” nhận thấy sự thay đổi đó là phù hợp với doanh nghiệp của họ và mang lại cơ hội được rót vốn, tôi tin rằng họ sẽ sẵn sàng.
Cái khó nhất đối với các quỹ đầu tư nước ngoài là nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang nghĩ quỹ đầu tư nào cũng giống nhau. Thực ra không phải như vậy, mỗi quỹ lại có bộ tiêu chí riêng, rất khác nhau. Điều này mang đến đa dạng sự lựa chọn, cả cho quỹ đầu tư và doanh nghiệp. Do đó, cần tìm hiểu kỹ trước khi hợp tác. Như chúng tôi làm việc cùng công ty sản xuất gạo chẳng hạn, cũng mất cả năm để hiểu về cách sản xuất và đưa ra góp ý, rồi dần dần mới giúp họ tiếp cận được nguồn vốn.
Trong thời gian tới, khi FTSE Russell và MSCI nâng hạng thị trường Việt Nam, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam sẽ càng ngày càng nhiều, đặc biệt là trong năm nay và năm sau. Để chuẩn bị đón nhận các nguồn lực tài chính này, doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn lại lộ trình phát triển và xác định rõ nhu cầu khách hàng của mình.
Tiền đang rất sẵn, quan trọng là phải biết làm thế nào để tiếp cận. Hiện tại, chúng tôi đang vận hành A+ Advisor – một công ty chuyên thu xếp các khoản vay quốc tế cho doanh nghiệp và ngân hàng. Trong quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy, các tổ chức tài chính quốc tế thường sẽ cấp khoản vay cho ngân hàng trong nước dưới dạng bilateral (hợp đồng song phương) để những ngân hàng này cho các doanh nghiệp xanh vay lại. Các tổ chức tài chính quốc tế có rất nhiều tiền, nhưng họ không có thời gian để tiếp cận từng doanh nghiệp để cho vay từng khoản nhỏ lẻ 5, 7 hay 10 triệu USD. Vì vậy, họ thiết lập một hạn mức để cho vay thông qua các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Ví dụ, hạn mức cho một ngân hàng có thể là từ 100-300 triệu USD và ngân hàng đó sẽ là bên tiếp cận doanh nghiệp. Nói vậy để thấy rằng, doanh nghiệp đang có rất nhiều sự lựa chọn trên thị trường tài chính xanh.
Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn quốc tế cũng không hề đơn giản. Hiện tại, chúng tôi đang làm việc với một số quỹ lớn và họ thường nhắm tới các dự án có giá trị tối thiểu là 50 triệu USD. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp có thể tiếp cận được 50 triệu USD thực sự không nhiều, kể cả các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Chưa kể, một số quỹ đầu tư xanh lại có tiêu chí không cho vay/đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết. Trong khi đó, các công ty tư nhân nhỏ cần 50 triệu USD là rất hiếm. Đó là lý do năm 2022, chúng tôi cho ra đời Quỹ A+, để làm trung gian cho những quỹ lớn (từ 500-700 triệu USD trở lên). Hiện tại, chúng tôi làm việc với cả những tập đoàn quản lý hơn 300 tỷ USD. Họ sẽ thông qua quỹ trung gian như chúng tôi để tiếp cận các SMEs.
Không thể nào một giám đốc mỗi năm bay qua Việt Nam 2, 3 lần để tìm kiếm được doanh nghiệp, bởi vì như bản thân tôi, trung bình mỗi năm, trực tiếp tham gia các hội nghị, hội thảo tại Việt Nam, có thể tiếp cận trung bình khoảng 300-500 doanh nghiệp nhưng thực tế cũng chỉ lọc ra được khoảng 20-30 đơn vị. Đến lúc chốt danh sách đủ điều kiện để làm việc tiếp, cũng chỉ còn khoảng 4, 5 doanh nghiệp.
Tóm lại, nguồn vốn quốc tế rất cần các trung gian để có thể chảy vào và nuôi dưỡng từng “tế bào” của thị trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, thị trường tài chính xanh Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để các quỹ nội địa phát triển. Mỗi quỹ trung gian sẽ có phương pháp làm việc khác nhau và A+ cũng có cách làm riêng của mình, nhưng quan trọng, chúng ta phải am hiểu thị trường, có như vậy mới đưa nguồn vốn đến đúng những nơi thật sự cần thiết.