Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch TPHCM – nói không có công nghệ xanh, tài chính xanh, nhân lực xanh thì doanh nghiệp không có cơ hội xuất khẩu.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài thường hỏi câu đầu tiên là có năng lượng tái tạo không. Nếu TPHCM không có, họ không làm mở rộng bởi năng lượng xanh là yêu cầu đặc biệt quan trọng khi xuất khẩu.
Ngay cả với doanh nghiệp trong nước muốn xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài cũng phải có giấy chứng nhận năng lượng xanh. Không có công nghệ xanh, tài chính xanh, nhân lực xanh thì doanh nghiệp không có cơ hội xuất khẩu. Yêu cầu này là bức thiết.
Nội dung được ông Hoan trao đổi tại hội nghị Đối thoại chính sách 2024 do UBND TPHCM và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), tổ chức sáng nay (18/9). Ông Hoan nói thêm, ông mong doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài cùng bắt tay thực hành thật tốt ESG, thực hành quy trình sản phẩm tốt để được cả thế giới chấp nhận.
Nói với cộng đồng doanh nghiệp, đại diện UBND TPHCM thừa nhận yếu tố phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm thế giới. Kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đã trở thành những mô hình phổ biến, được nhiều quốc gia lựa chọn.
Tại các quốc gia, tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh, việc hình thành các trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo giữa các thành phố lớn ngày càng gia tăng đáng kể. Chuyển đổi năng lượng từ năng lượng hóa thạch, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng này sang các nguồn năng lượng sạch ngày càng phổ biến và sâu rộng.
Những yếu tố này không chỉ mang đến cơ hội nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất, mà còn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh đó, TPHCM đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Lãnh đạo UBND TPHCM nhấn mạnh thành phố và các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long luôn sẵn sàng hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này nhằm giải quyết các khó khăn về cơ chế, chính sách và lắng nghe những đóng góp từ phía doanh nghiệp, từ đó khuyến khích nhà đầu tư có sự cam kết đầu tư dài hạn, chiến lược tại các khu vực này.