Các chuyên gia đồng tình cho rằng các yếu tố về quy định, chính sách là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế hướng đến Net Zero.
Cần nâng cao cơ chế thị trường
Phát biểu tại sự kiện Phát triển bền vững 2024 chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Hà Nội cho biết doanh nghiệp quy mô nào, thành phần nào cũng có thể gặp những vấn đề trong quá trình chuyển đổi xanh. Khó khăn đối với doanh nghiệp lớn là sự bất cập của hệ thống chính sách pháp luật.
Ngoài ra, các bộ ngành cũng còn có sự chồng chéo, chưa có sự thống nhất. “Bộ ngành nào cũng thấy rằng mình cũng cần quan tâm, cũng cần phải tăng tốc và nhảy vào cuộc, dẫn đến vướng lẫn nhau. Do đó, các bộ chưa đơn giản hóa thành một quy trình thống nhất”, ông nói.
Một điểm nữa, nếu tất cả bộ ngành đưa ra đòi hỏi, yêu cầu rất cao nhưng nhận thức và hành động của doanh nghiệp khi bắt đầu lại rất thấp, tạo xung đột giữa nhu cầu tăng trưởng và thực tế triển khai. Điều này cần có những giải pháp tạo sự tương xứng giữa chính sách và hành động thực tiễn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, vấn đề còn đến từ hệ sinh thái, sẽ không thể giải quyết nếu chỉ có một vài doanh nghiệp thực hiện. “Cũng giống như nông dân thôi, vẫn là thói quen rau hai luống, lợn hai chuồng”, ông Việt ví von. Theo sau là vấn đề về công nghệ, dẫn đến các vấn đề tài chính. Cuối cùng là nâng cao nhận thức, từ phía chủ doanh nghiệp và đến người lao động. Pháp luật cũng cần có sự đồng bộ, đơn giản hóa và cần phải có đối thoại để các doanh nghiệp khác nhau, thuộc các ngành khác nhau cũng có thể thích ứng.
“Như tôi có ý tưởng về việc dán nhãn CO2 lên sản phẩm nhằm nâng cao nhận thức nhưng làm được tới đâu thì cần phải có thêm đối thoại với các doanh nghiệp”, ông cho hay các biện pháp của nhà nước và doanh nghiệp phải hài hòa giữa giáo dục và thuyết phục nhưng trên hết cần nâng cao cơ chế thị trường. “Nếu không, bài toán không thể được giải quyết một cách rốt ráo, mà chỉ là những lát cắt, điểm nhấn mà không thể lan tỏa được. Chỉ thị trường mới có thể giải quyết được bài toán tổng thể”, chuyên gia chỉ ra.
Hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ, ông Trần Quốc Mạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) bày tỏ vui mừng vì nhà nước quyết tâm xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Dù mang đến hy vọng cho doanh nghiệp nhưng theo ông, chính sách vẫn đang đi chậm. “Rất lạ là chậm với cả doanh nghiệp chế biến, trong đó có cả chế biến để xuất khẩu”, ông thừa nhận.
Cần bộ hướng dẫn hợp lý, đơn giản
Ở góc độ tài chính, ông Darryl James Dong, Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng Hồ Chí Minh, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nhận định hệ thống chính sách và quy định là quan trọng và vẫn sẽ luôn quan trọng trong tương lai. Và nếu không đủ sự hướng dẫn hoặc các hướng dẫn nhầm lẫn sẽ làm chậm cả quá trình.
“Chưa bao giờ chúng ta cần tất cả mọi thứ tại một thời điểm, đừng phức tạp hoá vấn đề. Nếu các bạn xây dựng một cái tổ tốt, đại bàng sẽ đến. Về các quy định, chúng ta không cần nhìn quá xa. Chúng ta cần bộ hướng dẫn hợp lý, thân thiện với người dùng, đơn giản và dễ sử dụng. Khi thị trường bắt đầu vững mạnh, chúng ta sẽ triển khai các vấn đề khác”, ông nói và khuyên rằng Việt Nam có thể làm theo kiểu “ném đá dò đường” và không cần phải quá vội vã.
Theo chuyên gia IFC, các ngân hàng phải thay đổi cách tiếp cận, cần gặp gỡ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng; cần có các sáng kiến liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh, chẳng hạn như trái phiếu xanh, tín dụng xanh…qua đó có ngân sách cấp cho quá trình chuyển đổi.
“Các ngân hàng không thể đứng im một chỗ đợi khách hàng, không tiến ắt lùi. Đây không phải vay vốn thông thường, đây là hoạt động hoàn toàn mới”, ông nói và cho biết cần có những hoạt động “dám nghĩ dám làm” để có thể đẩy Việt Nam đi đúng lộ trình trong quá trình hướng tới Net Zero.
Ông Lim Dyi Chang – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam cũng cho rằng ngân hàng sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi. Không chỉ dừng lại ở việc cho vay, các ngân hàng cũng cần giám sát để đảm bảo tiền đến “đúng người, đúng việc”.
Ngoài ra, khó khăn và rào cản lớn nhất là thiếu khuôn khổ phân loại xanh một cách rõ ràng cũng như chưa đủ động lực cho các khoản đầu tư xanh cũng như rủi ro tài chính khi đầu tư, nhất là về công nghệ. Theo lãnh đạo UOB, 50% công ty Việt Nam cho biết thiếu các giải pháp tài chính là một trong những rào cản chính.
Vẫn còn mơ hồ
Tại hội thảo, đại diện đơn vị vận hành tòa nhà Vietcombank Tower, quận 1, TPHCM nói vẫn còn đang mơ hồ khi nghe đến quy định bắt buộc kiểm kê khí nhà kính đối với các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm trên 1 ngàn tấn dầu tương đương, đồng thời đặt câu hỏi làm thế nào để giải quyết được vấn đề này.
Dưới góc nhìn của bên tư vấn đánh giá kiểm kê khí nhà kính, ông Nguyễn Thế Phương – Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital, cho hay những đơn vị như FPT sẽ vào tìm hiểu, kiểm kê bức tranh phát thải của doanh nghiệp để biết doanh nghiệp đang “đứng ở đâu”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Võ Trường An – Phó Tổng Giám đốc CTCP Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) nói đầu tiên các đơn vị tư vấn cần phải biết “doanh nghiệp đang ở đâu, đang tiêu thụ năng lượng như thế nào, đang phát thải như thế nào” để có cơ sở mới có thể đánh giá, toàn bộ đều phải tuân thủ theo quy định.
Theo ông An, những đơn vị tư vấn, giải pháp như CCTPA đều có các thiết bị, phần mềm để có thể đo đạc, kiểm đếm lượng phát thải. Thậm chí sử dụng AI để phân tích xem doanh nghiệp đang phát thải nhiều ở mô đun nào, ở quy trình nào, ở thiết bị nào và ở khu vực nào…để có giải pháp tác động giảm phát thải đó.
“Còn nếu doanh nghiệp muốn mua tín chỉ carbon nhằm bù trừ thì phải chờ, chờ về pháp lý, chính sách. Ở hầu hết các nước, không phải có tiền là có thể muốn mua bao nhiêu cũng được, mà chỉ có thể mua 10-20% lượng phát thải của đơn vị đó”, chuyên gia thông tin.
Về phía cung, ông An cho hay các doanh nghiệp có khả năng bán tín chỉ carbon hiện nay còn khá thụ động, bởi chưa có sàn chính thức mà vẫn phải thông qua môi giới.