16/10/2024

Nhiều ngân hàng tham gia “cuộc đua” cấp tín dụng xanh

Hưởng ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều gói tín dụng xanh, các chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất xanh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26), Chính phủ Việt Nam đã công bố mục tiêu quốc gia đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Quy hoạch phát triển điện lực lần thứ tám (PDP 8) của Chính phủ, được công bố vào năm 2023, trở thành một trong những mắt xích quan trọng định hướng hoạt động sản xuất điện chuyển dịch từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã chính thức ký kết hợp đồng tín dụng trị giá lên tới 150 triệu USD nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và truyền tải điện tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia giảm phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050.

Nhiều ngân hàng tham gia “cuộc đua” cấp tín dụng xanh.

Khoản vay trung và dài hạn 150 triệu USD do JBIC cấp cho VPBank dự kiến sẽ được giải ngân cho các đối tượng khách hàng doanh nghiệp và dự án hoạt động trong lĩnh vực phát triển lưới điện, kinh doanh năng lượng tái tạo, có tác động tích cực tới việc bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương trên cả nước.

Khoản vay tín chấp nói trên nằm trong khuôn khổ khái niệm AZEC – Cộng đồng châu Á phát thải bằng 0 (Asia Zero Emissions Community) do Chính phủ Nhật Bản khởi xướng trong nỗ lực trung hòa carbon và tăng trưởng kinh tế phù hợp với hoàn cảnh mỗi quốc gia. Khoản vay đồng thời tương thích với chương trình JETP – Đối tác chuyển đổi năng lượng chính đáng (Just Energy Transition Partnership) được Việt Nam và các quốc gia đối tác bao gồm Nhật Bản và Mỹ thống nhất vào năm 2022.

Thời gian qua, hưởng ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, thời gian qua các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đưa ra nhiều gói tín dụng xanh, các chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất xanh, dự án xanh, chuyển đổi xanh…

Sau gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng dành riêng cho nhóm DN dệt chuyển dịch xanh, BIDV vừa triển khai gói tín dụng quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng cho các DN đầu tư mới, mở rộng công trình xanh với lãi suất cho vay ưu đãi đến cuối năm 2024. VietinBank dành 5.000 tỷ đồng trong chương trình tài chính xanh Green UP để cấp vốn cho các dự án, phương án mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. TPBank cũng đang có gói tín dụng lên tới 5.000 tỷ đồng dành riêng cho DN có phương án, dự án xanh…

Nhằm đẩy mạnh tín dụng xanh, nhiều NHTM đã huy động được các nguồn vốn từ nước ngoài để có thêm nguồn vốn tài trợ cho các dự án tín dụng xanh. Tháng 8 vừa qua, BIDV và Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD Việt Nam) đã ký kết thỏa ước tín dụng hạn mức tín dụng khí hậu trị giá 50 triệu EUR để tài trợ cho các dự án giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thời gian qua, SeABank cũng liên tục mở rộng hợp tác quốc tế để thu hút dòng vốn ngoại với tổng số tiền lên tới gần 850 triệu USD từ các tổ chức tài chính như IFC, DFC, AIIB, Norfund… Bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT SeABank, chia sẻ, với sự hỗ trợ về tài chính, chuyên môn từ các đối tác quốc tế giàu kinh nghiệm, SeABank tập trung phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm huy động nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân cho các dự án môi trường vốn đòi hỏi nguồn vốn lớn và dài hạn.

SeABank cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh lam (các dự án liên quan đến biển) và xanh lá (dự án liên quan đến môi trường) cho các tổ chức tài chính quốc tế là IFC và AIIB với tổng giá trị lên tới 150 triệu USD. “Trái phiếu được phát hành cho danh mục đầu tư xanh lá và xanh lam có kỳ hạn dài hơn các trái phiếu thông thường, phù hợp với định hướng gia tăng nguồn vốn ổn định về trung và dài hạn của ngân hàng”, bà Lê Thu Thủy cho hay.

Trước đó, OCB cũng ký kết thỏa thuận với IFC, trong giai đoạn đầu, IFC sẽ giải ngân khoảng 150 triệu USD cho OCB, cho các DN đáp ứng tiêu chuẩn về tín dụng xanh vay với mức lãi suất thấp nhất…

Theo Kinh tế Môi trường.

Bài viết liên quan