14/11/2024

Khuyến khích chuyển đổi xanh nhưng chính sách hỗ trợ còn hạn chế

Nhiều nhà đầu tư mong nhận được nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh.

Theo các chuyên gia, việc thiếu trạm sạc đang là thách thức cho việc chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam. Nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong phát triển trạm sạc như doanh nghiệp tự bỏ ra chi phí lớn, nhu cầu xe điện chưa thu hút nhà đầu tư, lý do khác mang tính xã hội và vĩ mô từ chính sách của Chính phủ.

Xây dựng trạm sạc xe điện gặp khó

Tại tọa đàm “Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư” tổ chức tháng 8 năm nay, ông Nguyễn Đắc Hưng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp sạc xe điện iCharge thừa nhận còn nhiều khó khăn trong phát triển trạm sạc như chi phí đầu tư ban đầu lớn, thách thức về hạ tầng điện lực và đặc biệt là khung pháp lý.

Để thúc đẩy hạ tầng phục vụ chuyển đổi phương tiện xanh, ông mong có thể nhận được chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như: khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe điện; hỗ trợ vốn vay, quỹ đất, hoàn thiện pháp lý để phát triển hạ tầng trạm sạc điện; khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng điện như xe bus, taxi điện.

Ở tọa đàm “Thúc đẩy phát triển xe điện” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tháng 11 năm ngoái, các chuyên gia cũng nói về khó khăn trong việc xây dựng trạm sạc, yếu tố tiên quyết để xe điện có thể tăng trưởng, bùng nổ và thay thế xe xăng. Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Môi trường và Biến đổi khí hậu, Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), một trong lý do các doanh nghiệp muốn phát triển trạm sạc tại chung cư hay tòa nhà văn phòng, nhưng không tìm được tiếng nói chung với ban quản lý. Những nơi này đều lo ngại việc đặt trạm sạc hầm xe, lo ngại cháy nổ

Người dân vẫn còn nỗi lo thiếu trạm sạc xe điện. (Ảnh: Đại Việt)

Bên cạnh đó, còn hàng loạt vấn đề về hạ tầng điện không đáp ứng, đơn vị cung cấp điện chưa tạp điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển trạm sạc xe điện. Các đơn vị này cũng không được nhà nước hỗ trợ tài chính, đều phải tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư.

Để giải quyết các vấn đề này và phát triển trạm sạc, các chuyên gia cho rằng cần nhiều chính sách vĩ mô từ Chính phủ để hỗ trợ.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền (Phó Viện trường Viện Chiến lược GTVT – Bộ Giao thông Vận tải), đến nay Chính phủ đã có chủ trương mạnh mẽ, rõ ràng về chuyển đổi xe điện. Tuy nhiên chính sách hỗ trợ chỉ đang dừng ở việc phí tiêu thụ đặc biệt và thuế trước bạ. Thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm về chính sách để thực hiện việc chuyển đổi xanh hiệu quả.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT dẫn chứng một số hình thành công về chuyển đổi xe điện ở một số nước cần phải có hạ tầng trạm sạc. Đầu tư cho trạm sạc, mang lại lợi ích bằng 1,5 lần đầu tư cho xe điện. Vì vậy những nỗ lực của Chính phủ về chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe điện nên tập trung hỗ trợ xây dựng trạm sạc.

Nhiều trạm sạc xe điện mới ở TP.HCM chuẩn bị phục vụ người dân. (Ảnh: Đại Việt)

Hệ thống trạm sạc xe điện

Trả lời PV Báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Ngọc Đồng, Tổng giám đốc Lado Taxi cho biết, doanh nghiệp của ông đang tiên phong trong việc xây dựng, vận hành các trạm sạc xe điện ở tỉnh Lâm Đồng. Hiện doanh nghiệp này và đối tác đã xây dựng, vận hành 19 trụ sạc với 38 cổng sạc, công suất từ 60kW đến 150kW. Sở dĩ Lado Taxi phải xây dựng nhiều trụ sạc vì doanh nghiệp này đang có khoảng 700 chiếc xe điện đang vận hành.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) chia sẻ, thị trường trạm sạc xe điện tại Việt Nam hiện chưa có nhiều đơn vị phát triển. Bên cạnh những khó khăn, thách thức thì tiềm năng của lĩnh vực này rất lớn.

PV Power đã phối hợp cùng đối tác để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Đầu tháng 11/2024, PV Power khánh thành trạm sạc đầu tiên tại số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Diện tích đặt trạm khoảng 30 – 35 m2. Trạm sạc có công suất 120kW với hai cổng sạc CCS2 tương thích với hầu hết các dòng xe điện hiện nay. Tổng chi phí đầu tư cho trạm sạc đầu tiên này là hơn 1,8 tỷ đồng.

Trạm sạc nói trên mở cửa phục vụ 24/24h và được trang bị hotline hỗ trợ khách hàng. Giá sạc xe điện vào giờ cao điểm là 6.174 đồng/kWh, giá giờ thấp điểm là 2.830 đồng/kWh và giá giờ bình thường là 4.007 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT).

Nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư trạm sạc, đón đầu xu thế. (Ảnh: Đại Việt)

Trạm sạc tại số 6 Huỳnh Thúc Kháng sẽ tạo tiền đề để PV Power mở rộng quy mô với mục tiêu đạt 1.000 trạm sạc trên toàn quốc vào năm 2035.

Ngoài PV Power thì Công ty Evercharge cũng phát triển 51 trạm sạc tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thanh Hóa… Một doanh nghiệp khác là EV One đang có khoảng 40 trạm sạc dành cho xe điện ở nhiều tỉnh thành. Công ty này đang hướng tới mục tiêu có 200 trạm sạc vào năm 2025.

Công ty Charge+ cũng triển khai xây dựng 17 trạm sạc xe điện tại nhiều địa phương. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu có 5.000 điểm sạc vào năm 2030.

Còn theo đại diện VinFast, tính đến tháng 11/2024, đơn vị này đã phủ trạm sạc trên 63 tỉnh thành của cả nước. Tại 125 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, VinFast đã xây dựng 150.000 cổng sạc với công suất đa dạng. Trong thời gian tới, VinFast cũng đã lên kế hoạch đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.

Năm 2023, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng hơn 17.000 chiếc xe điện. Năm 2024 vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về lượng xe điện đã tiêu thụ. Tuy nhiên, lượng xe điện tiêu thụ tại Việt Nam rất có thể lớn hơn năm 2023 khi mục tiêu của VinFast trong năm 2024 là bàn giao đến 80.000 xe điện và thị trường chủ lực vẫn là Việt Nam.

Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo, nước ta sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện vào năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040. Theo khuyến khích chuẩn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) 10 xe điện/trạm sạc, thì ước tính Việt Nam cần từ 100.000 – 350.000 trạm sạc trong 15 năm tới.

Thực tế, số lượng trạm sạc xe điện ở nước ta vẫn do VinFast đầu tư là chủ yếu. Các hãng khác bán xe điện cho khách sạc chủ yếu tại nhà và đại lý. Một số trạm sạc do doanh nghiệp xây dựng còn hạn chế như Charg +, EVN, đây đều những đơn vị không bán xe điện.

Trong kế hoạch thực hiện giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đáp ứng mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải nêu mục tiêu đưa tỷ lệ ôtô điện lên 30% và xe máy điện 22% so trong tổng số xe lưu hành nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Các quy định về số lượng, vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện trong trạm dừng nghỉ để phát triển hạ tầng sạc điện, sẽ được áp dụng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.

Bộ cũng nghiên cứu, phát triển mạng lưới hạ tầng trạm sạc điện trên các tuyến đường quốc lộ và tuyến đường cao tốc vào “Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo VTC News.

Bài viết liên quan