Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), họ có thể biến thành cơ hội trong tương lai, bao gồm mở rộng cơ hội kinh doanh.
Từng bước triển khai ESG trong doanh nghiệp
ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là các bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững cũng như tác động của doanh nghiệp đối với cộng đồng và môi trường. Các nhà đầu tư đang sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố phi tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động của một tổ chức, như một phần của quá trình phân tích, nhằm xác định các rủi ro quan trọng và cơ hội tăng trưởng. Các sáng kiến ESG cũng giúp các công ty đạt được thành công lâu dài thông qua các chiến lược kinh doanh và quản lý có trách nhiệm.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện hoạt động trách nhiệm đối với xã hội theo kiểu tự phát và chưa lưu tâm đến các chiến lược dài hạn của việc thực hành ESG. Hệ thống đo lường, quản trị dữ liệu của các công ty để thực hiện báo cáo ESG vẫn còn nhiều hạn chế và không theo chuẩn quốc tế. Vì thế, để thực hành ESG dài hạn, các doanh nghiệp cần từng bước xây dựng 1 hệ thống đo lường quản trị dựa trên các khung báo cáo quốc tế.
Theo Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp năm 2024 do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện cho thấy về mặt nhận thức, ESG vẫn là một khái niệm mới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Trong 1.019 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có đến 39% chưa từng nghe nói đến ESG và 62% hiện chưa nắm rõ các quy định và chính sách của Việt Nam liên quan đến ESG và kinh doanh bền vững như Quyết định số 167/QĐ-TTg, Thông tư số 13/2023/TT-BKHĐT, Thông tư số 96/2020/TT-BTC…
Các doanh nghiệp lớn vượt trội hơn hẳn trong việc tiếp cận thông tin, xây dựng các chiến lược và thực hiện các hoạt động liên quan đến ESG. Tuy nhiên, 26-30% doanh nghiệp ở từng quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia khảo sát cũng đang có những bước đi đầu tiên trong việc tìm hiểu và áp dụng các tiêu chí ESG.
Về mặt thực hành chung, qua điểm trung bình của các doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang thực hiện tốt nhất ở trụ cột Xã hội, tiếp theo là Quản trị, và cuối cùng là Môi trường, với mức điểm thực hành lần lượt là 68%, 63% và 52% (trên thang 100%). Ở cả 3 trụ cột, mức độ thực hành tỷ lệ thuận với quy mô doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp lớn với nguồn lực mạnh có khả năng tuân thủ và áp dụng các quy chuẩn ESG tốt nhất, còn các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cần nhiều hỗ trợ để tiếp cận và nâng cao hiệu quả thực hành ESG.
Về khó khăn trong việc thực hành ESG, ba khó khăn lớn nhất doanh nghiệp Việt Nam gặp phải là: Không có hoặc thiếu thông tin về ESG; Thiếu các chương trình về giới thiệu và đào tạo ESG; Chưa có chính sách cụ thể từ Chính phủ về ESG.
Cơ hội mở rộng kinh doanh
Chia sẻ tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” diễn ra mới đây, ông Tạ Đức Bình, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các doanh nghiệp có điểm thực hành ESG cao hơn có khả năng duy trì và phục hồi tốt hơn trong và sau đại dịch Covid-19. Điều này chứng minh, ngoài lợi ích dài hạn thì thực hành ESG còn giúp doanh nghiệp chống chọi trước các cú sốc”.
Việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư; tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh; nâng cao hình ảnh và thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp biến trách nhiệm tuân thủ trở thành lợi thế cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư chia sẻ với báo chí: “ESG là 1 cái khung hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới trong vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội và nâng cao năng lực quản lý.Tựu chung lại là làm sao nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng xu thế mới là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng như công tác hiện đại hoá trong công nghiệp.Đây là yêu cầu hết sức bức thiết trong bối cảnh hiện nay khi mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thông qua phát triển động lực mới của nền kinh tế”.
Là 1 trong những doanh nghiệp lọt Top 3 Chương trình “Sáng kiến ESG Việt Nam 2024”, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec (Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) cho rằng, tính cạnh trong trong phát triển là vấn đề quan trọng, khi thu hút FDI vào đầu tư, doanh nghiệp đã theo dõi các tiêu chuẩn ESG từ rất lâu. Nên, nếu không quan tâm, không thực hiện ESG thì tính cạnh tranh sẽ rất thấp: “Với tiêu chí ESG, cái đầu tiên là tính cạnh tranh rất cao bởi vì tất cả doanh nghiệp của nước ngoài khi mà đầu tư vào Việt Nam thì người ta đã có tiêu chí ESG để làm hàng xuất khẩu. Và như vậy, nền tảng đầu tư hạ tầng của mình cũng có ESG thì điều đấy tích hợp được với nhau và đấy là tính cạnh tranh rất cao”.
Không chỉ để bắt kịp xu hướng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác, việc áp dụng ESG cũng được đánh giá sẽ tạo thay đổi đáng kể về nhận thức của lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp. Từ đó, sẽ dẫn đến hành động thay đổi và kết quả đầu ra sẽ là sự tiết giảm năng lượng, ý thức bảo vệ môi trường, năng lực quản trị cũng được nâng cao… Việc tạo ra một văn hóa doanh nghiệp hỗ trợ ESG từ bên trong sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sức chống chịu trước những biến động của thị trường.
Quan điểm, cách làm của mỗi doanh nghiệp về việc triển khai ESG có thể khác nhau. Song có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, việc chú trọng đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị không chỉ giúp tăng cường sự tin cậy của doanh nghiệp trong mắt cộng đồng và nhà đầu tư, mà còn giúp tạo ra giá trị bền vững và giảm rủi ro dài hạn, mở ra các cơ hội trong tương lai.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động bắt đầu ngay từ bây giờ, việc áp dụng ESG không chỉ dừng lại ở mức chạy theo những yêu cầu từ phía đối tác, thị trường, nhà đầu tư hay quy định của luật pháp, mà cần khai thác ESG để nắm bắt các cơ hội đầu tư kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp khi xu hướng kinh tế xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.