Khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh đã được phát hành, tuy nhiên, thị trường phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Thị trường đang “ấm dần lên”
Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2023, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam đã đạt 1 tỷ USD lưu hành, tương đương 2% trái phiếu đang lưu hành và con số này sẽ tăng lên trong giai đoạn 2024-2025. Trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.
Với sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính bắt đầu chú trọng đến việc phát hành trái phiếu xanh như một phương tiện để tài trợ cho các dự án có lợi cho môi trường. Đặc biệt, từ năm 2020 đến năm 2023, nhờ các chiến lược phát triển xanh của Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức tài chính quốc tế và nhận thức rõ hơn về vai trò của tài chính xanh trong cộng đồng doanh nghiệp, thị trường đã bắt đầu ghi nhận những đợt phát hành trái phiếu xanh có quy mô đáng kể từ các tổ chức lớn như Vinpearl (425 triệu USD), BIM Group (350 triệu USD), BIDV (100 triệu USD), EVN Finance (70 triệu USD).
Mới đây nhất, Vietcombank đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường.
Chia sẻ với báo chí, theo ông Vũ Quang Đông – Phó Giám đốc Khối phụ trách Khối Vốn & Thị trường Vietcombank, Vietcombank với vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu luôn đặt phát triển bền vững và bảo vệ mội trường làm mục tiêu cốt lõi trong chiến lược hoạt động. “Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh sẽ được giải ngân cho các dự án thuộc 7 lĩnh vực gồm năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, quản lý nước, công trình xanh, quản lý chất thải, nông-lâm-thủy sản bền vững và năng lượng hiệu quả” – ông Vũ Quang Đông cho biết.
Tính từ đầu năm đến 20/11/2024, đã có 04 lô trái phiếu xanh được phát hành theo Nguyên tắc Xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) với tổng giá trị 6,87 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong kỳ. Các lô trái phiếu này đều được các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá xác nhận bao gồm bởi FiinRatings về Khung Trái phiếu Xanh.
Tháng 10 vừa qua ghi nhận lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng do CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I phát hành (thuộc lĩnh vực thủy sản) được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo. Đây cũng là lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp phi tài chính.
Thị trường đang chứng kiến sự sôi động trở lại của trái phiếu xanh, xã hội và bền vững. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự thảo để ban hành khung phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh nhưng các giao dịch trái phiếu xanh được phát hành trong thời gian gần đây có phần khởi sắc hơn nhờ vào khung pháp lý cơ bản bước đầu và đặc biệt là sự tự nguyện của các thành viên trên thị trường.
Thực tế các giao dịch trái phiếu xanh gần đây cho thấy đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo đánh giá từ các chuyên gia của FiinRatings.
Vẫn tồn tại các hạn chế cần hoàn thiện
Dauxacos những tín hiệu tích cực, tuy nhiên thị trường tài chính xanh của Việt Nam vẫn cần phải hoàn thiện để phát triển bền vững. Có thể kể tới một số nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu xanh Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng như: Thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, hạn chế về thông tin và dữ liệu, và sự thiếu hiểu biết của các bên liên quan về trái phiếu xanh, thiếu Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia… Ngoài ra, tính đến nay, mới chỉ có FiinRatings (trong năm 2022) trở thành tổ chức đầu tiên của Việt Nam được CBI ủy quyền xác nhận trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù đã có chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong dài hạn nhưng các bộ, ngành vẫn đang chờ đợi một chiến lược phát triển kinh tế xanh một cách đồng bộ, trong đó chỉ rõ những lĩnh vực, những ngành, sản phẩm cần phải xanh hóa và lộ trình triển khai thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp. Chính vì vậy, Nhà nước cần rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu xanh nói riêng. Trên cơ sở hành lang pháp lý hiện có, các cơ quan quản lý cần ban hành các văn bản cụ thể quy định bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số môi trường rõ ràng và có cơ chế giám sát cụ thể để xác định lĩnh vực ưu tiên, dự án “xanh”, trái phiếu xanh, công ty phát triển bền vững… cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý, sử dụng nguồn vốn hình thành từ trái phiếu xanh nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cho trái phiếu xanh và làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, quy mô tín dụng xanh vẫn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống. Tín dụng xanh mới chiếm 4,5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế vào cuối năm 2023 (từ mức 3,33% vào năm 2018). Trong đó, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 40%). Tỷ trọng tín dụng vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch có dư nợ tín dụng xanh cao thứ hai vào năm 2023, tương ứng 30% tổng dư nợ tín dụng xanh… cho thấy còn nhiều dư địa phát triển.
Theo các chuyên gia, phải có cơ chế và chính sách rõ ràng để phát triển các sản phẩm tài chính xanh. Chẳng hạn như việc phát hành trái phiếu xanh thí điểm ở TP Hà Nội vào quý IV năm 2016 để tài trợ các dự án xanh. Điều kiện phát hành của các trái phiếu xanh này sẽ tương tự như các trái phiếu thông thường, nhưng các dự án xanh sẽ được chứng nhận theo tiêu chuẩn của MoNRE.
Hiện các quy định pháp luật còn dàn trải và chưa phù hợp. Thiếu đồng bộ về tiêu chí “xanh”. Chẳng hạn như chúng ta vẫn thiếu rất nhiều quy định về xây dựng thị trường tín chỉ carbon… Do đó cần hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh.
Về phát triển trái phiếu xanh, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng danh mục phân loại các dự án xanh đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo các tiêu chí môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế và tình hình thực tiễn của đất nước.
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro Tín dụng và Dịch vụ Tài chính Bền vững (FiinGroup) nhận định: “Danh mục này sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý xác định, đánh giá và giám sát các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh, đảm bảo tính xanh và tác động tích cực đến môi trường”.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cho biết đã chủ động nghiên cứu các thông lệ, nguyên tắc trái phiếu xanh quốc tế. Đồng thời, nhờ sự tư vấn kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (World Bank) để xây dựng Khung Trái phiếu xanh theo chuẩn ICMA và đạt định hạng rất cao của Moody’s. “Đây là yếu tố quan trọng để xác lập thành công của đợt phát hành”, ông Lâm nói.