25/11/2024

Quy định mới về mức phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Nghị định mới quy định đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý của các dự án, cơ sở sản xuất…

Ngày 21/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2024/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Theo đó, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung cấp phép về xả khí thải (cơ sở xả khí thải).

Ảnh minh hoạ.

Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là các cơ sở xả khí thải.

Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F = f + C.

Trong đó: F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý hoặc năm); f là phí cố định (quý hoặc năm); C là phí biến đổi, tính theo quý.

Phí biến đổi của cơ sở xả khí thải (C) là tổng số phí biến đổi tại mỗi dòng khí thải (Ci) được xác định theo công thức sau: C = ΣCi.

Phí biến đổi mỗi dòng khí thải (Ci) bằng tổng số phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này có trong khí thải tại mỗi dòng khí thải (i) và được xác định theo công thức sau: Ci= Ci (Bụi) + Ci (SOx) + Ci (NOx) + Ci (CO)

Về mức thu phí, tại Nghị định đã quy định, đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải, sẽ có mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4. Trường hợp cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (5/1/2025) hoặc cơ sở xả khí thải đang hoạt động trước ngày 5/1/2025: số phí phải nộp = (f/12) x thời gian tính phí (tháng).

Trong đó, thời gian tính phí là thời gian kể từ tháng tiếp theo của tháng Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải đang hoạt động) hoặc tháng bắt đầu đi vào hoạt động (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành) đến hết quý hoặc hết năm.

Còn đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải sẽ có mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4. Mức thu phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải như sau: Bụi và NOx (gồm N02 và NO) là 800 đồng/tấn; SOx là 700 đồng/tấn; CO là 500 đồng/tấn.

Về quản lý và sử dụng phí, Nghị định quy định tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo quy định.

Đối với trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 25% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP; nộp 75% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Theo Kinh tế môi trường 

Bài viết liên quan