02/12/2024

Nâng cao kỷ cương tài khóa, hỗ trợ quốc gia phát triển bền vững

Mới đây, Bộ Tài chính đã công khai Báo cáo đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính. Những nỗ lực trong điều hành chính sách tài chính – ngân sách thời gian qua của Chính phủ, Bộ Tài chính đã được ghi nhận. Công tác cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam đã có bước tiến tốt, toàn diện trên nhiều mặt.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Quản lý tài chính công được cải thiện toàn diện

Báo cáo đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính (PEFA) là khung đo lường hiệu quả hoạt động để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống quản lý tài chính công, hỗ trợ quốc gia phát triển bền vững.

PEFA lần này có nhiều lĩnh vực tốt hơn so với trước

Đánh giá PEFA lần này cho thấy có những cải thiện so với lần đánh giá PEFA trước đó, mặc dù không thể so sánh trực tiếp, do sử dụng khung đánh giá PEFA khác nhau. Trong các năm qua, những tiến triển trong cải cách quản lý tài chính công đã được thể hiện ở nhiều mặt, bao gồm kỷ cương tài khóa tốt hơn, cải thiện về quản lý ngân quỹ và tăng cường minh bạch ngân sách.

Cách đây hơn 10 năm, Việt Nam đã thực hiện đánh giá PEFA cấp quốc gia, lần đầu thực hiện đánh giá vào năm 2013. Hoạt động cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là về cải cách thể chế, với việc ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản quản lý tài chính công, như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, các luật thuế…

Nhằm đánh giá kết quả đạt được, nhận diện rõ những điểm mạnh, điểm yếu trong quản lý tài chính công của chính quyền trung ương trong 10 năm qua, gắn với việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về đánh giá PEFA theo phương pháp mới hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện đánh giá PEFA lặp lại, với sự giúp đỡ kỹ thuật và tài chính của Ban thư ký PEFA, Chính phủ Thụy Sỹ và Chính phủ Canada và Ngân hàng Thế giới trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam.

Theo Báo cáo đánh giá PEFA vừa công bố, công tác cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam có bước tiến tốt, khá toàn diện trên nhiều mặt. Trong đó, đáng chú ý là kỷ cương tài khóa tốt hơn dẫn đến giảm nợ đọng chi, công tác quản lý ngân quỹ hiệu quả hơn nhờ có thông tin tốt hơn về cam kết chi, công tác minh bạch ngân sách ngày càng được tăng cường nhờ cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tài khóa. Cùng với đó, phạm vi ngân sách được xác định một cách toàn diện, đầy đủ theo thông lệ quốc tế; công tác quản lý ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách theo các công cụ quản lý tài chính công hiện đại được tăng cường.

Không chỉ đánh giá những kết quả tích cực, Báo cáo cũng chỉ ra những điểm yếu trong công tác quản lý tài chính công hiện nay về quy mô thu, chi ngoài ngân sách trung ương, công tác theo dõi rủi ro tài khóa trong khu vực công, sự gắn kết giữa kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Hình thành hệ thống quản lý tài khóa vững mạnh

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tỷ lệ huy động thu ngân sách của Việt Nam ổn định ở mức khoảng 20% trong giai đoạn 2016 – 2020. Trong năm 2020, nguồn thu từ thuế chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Các hoạt động kinh tế chững lại khiến số thu giảm xuống. Tỷ lệ thu từ thuế giảm từ 14,7% GDP vào năm 2019 xuống còn 13,3% vào năm 2020, chủ yếu do nguồn thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm.

Từ năm 2020-2024, chính sách tài khóa thực hiện theo hướng chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó tập trung ưu tiên các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách, mở rộng tăng thu trên nền tảng số, thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường thanh tra thu hồi nợ thuế… Nhờ đó, thu ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn đạt và vượt dự toán. Năm 2024, ước thực hiện cả năm tăng khoảng 10,1% so dự toán Quốc hội giao, tăng 6,8% so với thực hiện năm 2023; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 16,5% GDP, riêng thu thuế, phí đạt 13,1% GDP.

Những nỗ lực đó đã được ghi nhận. Báo cáo đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính đã ngợi khen: “Việt Nam đã hình thành được các yếu tố cơ bản của hệ thống quản lý tài khóa vững mạnh. Số thu những năm qua được duy trì ổn định với chính sách thu phù hợp và hệ thống quản lý thu vững chắc”. Đồng thời, Báo cáo đã nhận định, những cải cách về quản lý chi tại Việt Nam ban đầu tập trung vào các khâu sau, khâu thực hiện ngân sách trong chu trình quản lý tài chính công, nhằm thiết lập kỷ cương tài khóa tốt và nâng cao minh bạch.

Theo TS. Bùi Tiến Hanh, Trưởng Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính – đánh giá, từ năm 2015 đến nay, việc cải cách tài chính công ở Việt Nam có bước tiến khá toàn diện, phạm vi ngân sách được xác định đầy đủ hơn theo thông lệ quốc tế; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài khóa và quản lý NSNN giúp giảm nợ công; minh bạch ngân sách được tăng cường thông qua cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tài khóa; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng ngân sách.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nghiên cứu các vấn đề còn tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại Báo cáo đánh giá PEFA lặp lại của Việt Nam, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục trong quá trình cải cách quản lý tài chính công nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực, đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia. Các giải pháp nêu trên nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia, cải thiện hơn nữa môi trường sản xuất – kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.

Đổi mới chính sách động viên nguồn lực tài chính công

Cải cách hoạt động tài chính công là xu hướng phổ biến của các quốc gia trên thế giới, có liên quan mật thiết với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và là yêu cầu bắt buộc đối với các nước khi tham gia các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế.

Thời gian qua, thể chế tài chính – NSNN tiếp tục được hoàn thiện, góp phần hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước. Quá trình cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính công đã cơ bản bảo đảm đồng bộ với cải cách thể chế trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần thúc đẩy các yếu tố thị trường và các loại thị trường phát triển, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Trong đó, đáng chú ý, về huy động nguồn lực tài chính công đã có nhiều kết quả nổi bật. Các chính sách động viên NSNN tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung, bám sát các mục tiêu, định hướng đề ra. Nhờ đó, đã động viên hợp lý, kịp thời các nguồn lực từ sản xuất và các nguồn lực từ tài nguyên, đất đai. Các chính sách thuế, phí, lệ phí được ban hành về cơ bản đã đảm bảo minh bạch, đơn giản, phù hợp với các cam kết về hội nhập quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu tài chính công giai đoạn 2021-2030 đặt ra cũng rất lớn. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới chính sách động viên nguồn lực tài chính công theo hướng bền vững; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu đi đôi với cơ cấu lại thu NSNN, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết, hợp lý. Song song với đó, cần hoàn thiện thể chế về quản lý NSNN, nhằm tăng cường hiệu quả phân bổ, sử dụng nguồn lực ngân sách gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế; tiếp tục cơ cấu lại nợ công, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công./.

Theo Thời báo Tài chính.

Bài viết liên quan