Trước tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và áp lực ô nhiễm môi trường, các chuyên gia cho rằng việc áp dụng kinh tế tuần hoàn càng trở nên cấp thiết, trong đó cần thúc đẩy xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn lấy con người làm trung tâm…
Việt Nam đã bước đầu hình thành các thị trường mới về hàng hóa và dịch vụ môi trường, nguyên liệu thứ cấp, sản phẩm thân thiện môi trường, việc làm xanh, đặc biệt là thị trường vốn cho kinh tế tuần hoàn…
Trong một báo cáo gần đây về thực trạng và chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Công ty tư vấn Kinh tế tuần hoàn CL2B Advisory cho biết tính đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đã đạt 650.300 tỷ đồng, trong đó có hơn 45% dành cho các dự án năng lượng tái tạo và gần 30% cho nông nghiệp xanh.
Những khoản đầu tư này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các sáng kiến kinh tế tuần hoàn trên nhiều lĩnh vực.
Trên thực tế, đối diện với áp lực ngày càng tăng về môi trường như rác thải, khí thải, sự khan hiếm tài nguyên,… việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn càng trở nên cấp thiết.
Theo một tính toán của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng khí phát thải CO2 liên tục gia tăng trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, từ khoảng 20 triệu tấn năm 1990 lên 355 triệu tấn năm 2020.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường và không khí (rác thải sinh hoạt, nước thải chưa được thu gom…) và ô nhiễm không khí… là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Tại hội thảo “Phát triển con người trong bối cảnh giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn”, do Viện Nghiên cứu Con người (HIS) thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và ICED phối hợp tổ chức mới đây tại TP.HCM, giới khoa học đã xác định Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu vì có đường bờ biển dài hơn 3.260 km và nhiều địa phương có địa thế trũng, thấp.
Do đó, PGS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện IHS, cho rằng cần thúc đẩy xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn lấy con người làm trung tâm. Trong tiến trình này, cụ thể từng lĩnh vực, Chính phủ cần tham gia bằng cách đưa ra các chính sách mới và khuyến khích sự phát triển kinh tế tuần hoàn. Nói cách khác, cần đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, trong thiết kế các chính sách, đồng thời phát huy vai trò của gia đình đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
Còn trước đó, trong một hội thảo về chủ đề tương tự diễn ra tại Hà Nội, PGS. Nguyễn Thị Hoài Lê cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thu nhập bình quân đầu người không ngừng được cải thiện, đồng thời được xếp vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt 3 năm gần đây, đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài Lê, điều này đã phần nào phản ánh thành tựu về cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nói riêng và sự thành công của các chính sách phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra đó là vẫn còn khoảng cách lớn về chất lượng cuộc sống giữa các nhóm cư dân. Do đó, cần xây dựng và thực hiện các chính sách lấy con người làm trung tâm nhằm góp phần bảo đảm một cuộc sống có chất lượng cho mọi tầng lớp, cộng đồng xã hội hướng tới sự phát triển toàn diện cho mỗi con người.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng cần đặt ra những yêu cầu mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực; cần có đội ngũ chuyên gia chất lượng về biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Các chính sách mới được đưa ra cần song hành công nghệ xanh nhằm góp phần cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy hệ thống quản lý chất thải, khí thải thấp, tăng nguồn năng lượng tái tạo.