Không còn nhiều thời gian cho doanh nghiệp chần chừ chuyển đổi xanh, bởi từ khoảng năm 2025 – 2027, các quy định xanh gần như là bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi nhanh thì việc doanh nghiệp kém cạnh tranh so với các quốc gia khác là thực tế chắc chắn của tương lai…
Tại “Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu 2024” với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/12, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng phát triển bền vững đã trở thành một xu thế của thời đại, là định hướng chiến lược phát triển của mỗi quốc gia.
Trong đó, phát triển bền vững về kinh tế được là coi là trụ cột nền tảng, là tiền đề để thực hiện phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng tất yếu mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế.
NỀN KINH TẾ NÂU VẪN CHIẾM ĐẾN 98%
Tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước phát triển, đặc biệt là EU đã đưa ra rất nhiều quy định mới, như Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (CEAP) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.
Để đạt mục tiêu này, EU thể chế hoá trong quy định của họ thành các quy định báo cáo phi tài chính. Tháng 1/2024, EU chính thức yêu cầu các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán phải thực hiện báo cáo phát triển bền vững, tương tự như báo cáo ESG đang triển khai ở Việt Nam. EU cũng đưa ra quy định về thẩm định chuỗi giá trị.
Như vậy, những thách thức liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam trong báo cáo phát triển bền vững đã được cảm nhận thời gian qua rất rõ. Cụ thể, năm 2017, EU đã đưa ra quy định về “thẻ vàng” IUU đối với thuỷ hải sản của Việt Nam, và đến nay vẫn chưa gỡ được.
Tháng 10/2023, EU đưa ra cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xi măng, sắt, thép, nhôm và hoá chất, đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu, điện và hydro. Từ tháng 1/2025, quy định về chống phá rừng của châu Âu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt hàng nông sản và các ngành hàng liên quan đến nông sản của Việt Nam.
“Như vậy, EU và các nước phát triển đã biến những quy định từ tự nguyện liên quan đến báo cáo phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành yêu cầu bắt buộc”, ông Thọ nhấn mạnh.
Trong khi đó, vị thế của Việt Nam hiện nay theo xếp hạng toàn cầu, nền kinh tế xanh của Việt Nam còn đang ở vị trí rất khiêm tốn. Cụ thể, Việt Nam xếp ở vị trí 79 trên 160 nước trên thế giới, tức Việt Nam ở top 50% toàn cầu.
Về cơ sở hạ tầng xanh, Việt Nam mới ở vị trí 94, top 75% toàn cầu. Về cải thiện mức độ nền kinh tế xanh, Việt Nam đang ở vị trí top 25% toàn cầu.
Quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam ở mức 2%, có nghĩa là nền kinh tế nâu vẫn chiếm đến 98%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam đạt được 12 – 13% trong thời gian vừa qua, nhưng mức độ cải thiện về vị thế cũng như cơ sở hạ tầng xanh vẫn còn rất thấp so với thế giới. Đây là thách thức rất lớn trong việc duy trì thương mại và đầu tư trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm này, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được 800 tỷ USD, đến cuối năm có thể lên tới 880 tỷ USD. Mục tiêu 1.000 tỷ USD xuất nhập khẩu là khả thi và có thể đạt được trong năm 2025.
Song Việt Nam vẫn là top 20 nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, nhưng cũng trong top 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. Trong khi quy mô thương mại của Việt Nam mới chỉ 1% và quy mô phát thải cũng 1%.
“Do đó, việc các nước phát triển cùng với đối tác thương mại của Việt Nam sẵn sàng hi sinh thị trường Việt Nam để bảo đảm, duy trì vị thế và báo cáo phát triển bền vững của họ là điều có thể xảy ra và Việt Nam có thể bị loại khỏi thị trường nếu như không thực hiện đầy đủ các quy định”, ông Thọ lo ngại.
KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC CHO TĂNG TRƯỞNG XANH
Nhấn mạnh nguồn lực tài chính là đặc biệt quan trọng cho phát triển xanh, bền vững, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết xu hướng phát triển tài chính xanh trên thế giới là một xu hướng rất mới. Chỉ từ khoảng năm 2015, tài chính xanh của thế giới bắt đầu được chú trọng và có sự tăng trưởng vượt trội.
Đối với thị trường Việt Nam, xu hướng tăng của tài chính xanh tương đối tích cực, song còn ở mức rất thấp. Cho đến hiện nay, khoảng 4,5% tổng dự nợ của hệ thống ngân hàng được tính là xanh.
Điểm tích cực theo ông Hùng, các ngân hàng cũng bắt đầu sử dụng các chuẩn xanh. Họ cũng bắt đầu đưa ra các biện pháp riêng của từng ngân hàng trong đánh giá về các tiêu chí môi trường và tiêu chí xã hội. Theo báo cáo, cho đến nay, khoảng 21% các khoản vay bên cạnh đánh giá về tài chính có đánh giá các yếu tố về môi trường và xã hội.
Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng quát, đại diện ADB cho rằng tài chính xanh ở Việt Nam mặc dù đang tăng trưởng tích cực, nhưng ở quy mô còn rất nhỏ.
Số lượng phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững ở Việt Nam trong thời gian qua cũng khiêm tốn. “Không phải năm nào cũng có các khoản phát hành trái phiếu xanh và số lượng các khoản phát hành rất thấp, thời hạn tương đối ngắn, chỉ từ 1 – 3 năm. Nên dư nợ trái phiếu bền vững gần như không tăng, chỉ duy trì ở mức ổn định”, ông Hùng nhận định.
Do đó, để phát triển tài chính xanh, ông Hùng cho rằng vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Điều kiện của tài chính xanh và bền vững là các hoạt động sản xuất kinh doanh phải đáp ứng được các tiêu chí về xanh và bền vững, các tiêu chí về phát triển xã hội. Đây là những điều kiện tiên quyết để các khoản tài chính được tính là xanh và bền vững.
“Nếu doanh nghiệp không tự chuyển đổi xanh thì tiền vào doanh nghiệp không xanh được. Bản thân doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh trước và các nguồn tài trợ cho hoạt động chuyển đổi xanh của doanh nghiệp mới trở thành tài chính xanh”, ông Hùng phân tích.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp cũng nên sẵn sàng triển khai chương trình carbon. Chính phủ hiện đã có lộ trình thí điểm trong năm 2025 và chính thức triển khai vào năm 2027.
Tuy nhiên, để tham gia được, các doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị sẵn sàng để triển khai chương trình carbon theo hướng nếu doanh nghiệp xuất khẩu sang EU theo quy định CBAM trong trường hợp cần phải mua chứng chỉ carbon để đáp ứng yêu cầu của EU, hay thậm chí qua quá trình đánh giá, chúng ta thấy có lợi thế, có thể tạo ra nguồn doanh thu bổ sung vào hoạt động kinh doanh.