06/12/2024

Đã có bao nhiêu ngân hàng công bố khung trái phiếu xanh?

Công bố Khung trái phiếu xanh là bước đi quan trọng để hướng tới phát triển bền vững của mỗi ngân hàng. Hiện tại đã có 3 ngân hàng công bố khung trái phiếu này.

Chiều 5/12, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán: TCB), chính thức công bố Khung trái phiếu xanh. Đây ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam công bố khung trái phiếu này – đặt bước đi quan trọng hướng tới phát triển bền vững.

Ông Jens Lottner, Tổng Giám Đốc ngân hàng Techcombank chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam công bố Khung trái phiếu xanh tuân thủ theo các Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA). Sáng kiến này là minh chứng cho cam kết không ngừng của ngân hàng trong việc thúc đẩy tài chính bền vững, đồng thời đóng góp vào một tương lai xanh hơn cho Việt Nam”.

Khung trái phiếu xanh của Techcombank được phát triển với sự hỗ trợ và các tư vấn kỹ thuật từ các chuyên gia của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), là tài liệu mang tính chất định hướng, hướng dẫn và đảm bảo nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh sẽ được Techcombank sử dụng để tài trợ các dự án đem lại các lợi ích về môi trường.

Khung trái phiếu xanh của Techcombank được đánh giá độc lập bởi S&P Global, một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất trên thế giới, với đánh giá Khung trái phiếu xanh của Techcombank đạt mức “Medium Green” – là mức cao thứ hai trong hệ thống đánh giá của tổ chức này. Điều này khẳng định tính minh bạch, lợi ích môi trường, và sự phù hợp của các sáng kiến xanh của ngân hàng với các tiêu chuẩn quốc tế. Các lĩnh vực đủ điều kiện theo Khung trái phiếu xanh của Techcombank cũng được S&P đánh giá “đóng góp vào việc giải quyết các thách thức quan trọng mà Việt Nam đang phải đối diện”.

Thông qua việc công bố Khung trái phiếu xanh, Techcombank đã khẳng định cam kết của ngân hàng cũng như báo hiệu một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính bền vững. Với việc huy động vốn cho các dự án xanh, Techcombank cam kết đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu môi trường của Việt Nam, đồng thời nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường tài chính xanh đang phát triển.

Hiện Việt Nam đã có 3 ngân hàng công bố Khung trái phiếu xanh. (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào tháng 10/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố ban hành Khung trái phiếu xanh bao gồm 4 trụ cột: Sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu; Quy trình đánh giá và lựa chọn dự án; Quản lý nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu; Báo cáo.

Mới đây, vào tháng 11/2024, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng ban hành Khung trái phiếu xanh với 4 trụ cột như BIDV. Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh được Vietcombank dùng để tài trợ các dự án có tác động tích cực tới môi trường bao gồm: Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; giao thông bền vững; quản lý nước bền vững; công trình xanh; nông – lâm – thủy sản bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý chất thải và hiệu quả tài nguyên và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo báo cáo của đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, tính từ đầu năm đến ngày 20/11, Việt Nam đã có 4 lô trái phiếu xanh được phát hành theo nguyên tắc xanh của ICMA, chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong kỳ. Các lô trái phiếu này đều được các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá xác nhận về khung trái phiếu xanh.

FiinRatings cho biết, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự thảo để ban hành khung phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh. Các giao dịch trái phiếu xanh được phát hành gần đây có phần khởi sắc hơn nhờ vào khung pháp lý cơ bản bước đầu và đặc biệt là sự tự nguyện của các thành viên trên thị trường. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trái phiếu xanh là một loại trái phiếu được phát hành để huy động vốn từ các nhà đầu tư để tài trợ cho các dự án xanh hoặc các hoạt động có tính bền vững về môi trường. Điều này được thực hiện nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp sạch, giảm thiểu khí thải, tăng cường năng lượng tái tạo và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trái phiếu xanh có các đặc điểm khác biệt so với các loại trái phiếu thông thường, bao gồm các tiêu chuẩn xanh nhằm đảm bảo rằng các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững.

Việc phát hành trái phiếu xanh được coi là một cách thức tài trợ mới và tiềm năng để hỗ trợ cho các dự án xanh, giúp tăng cường năng lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của toàn cầu.

Bài viết liên quan