11/12/2024

Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Định hướng phát triển bền vững, thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ những nỗ lực gia tăng năng lực sản xuất và đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, với những chính sách “hỗ trợ” đắc lực từ Nghị quyết số 115/NQ-CP và Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô như Thaco, Hyundai Thành Công, VinFast… đang mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 3,09 tỷ USD linh kiện phụ tùng ô tô ra nước ngoài, với các thị trường chính là Nhật Bản và Mỹ. Trong đó, nhóm linh kiện dây điện chiếm tỷ trọng lớn, đạt khoảng 1,17 tỷ USD, tương đương 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô của cả nước, đứng thứ 3 trên thế giới. Đây là một dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam đang từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, định hướng phát triển bền vững, thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2045 cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô đã được Chính phủ đặt ra, tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ, mở rộng hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Theo Bộ Công Thương, trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng khoảng 55 – 60% nhu cầu linh kiện và phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và đạt mức 80 – 85% vào năm 2045. Điều này phản ánh sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển bền vững ngành công nghiệp hỗ trợ, đồng thời nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất ô tô, giảm phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc chế tạo các chi tiết và linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe… Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước sẽ cần tăng cường hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn, lựa chọn những loại phụ tùng, linh kiện có thể sản xuất được trong nước, từ đó đảm nhận vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một trong những chính sách quan trọng đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô là Nghị quyết số 115/NQ-CP về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, được Chính phủ ban hành nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước và nâng cao giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra khung pháp lý cho các doanh nghiệp trong ngành. Những chính sách này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cải thiện công nghệ sản xuất mà còn thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các đối tác quốc tế.

Công nghiệp hỗ trợ ô tô, với sự phát triển không ngừng của công nghệ và sự gia tăng đầu tư, đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp ô tô có thể phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, các doanh nghiệp và các đối tác quốc tế. Các doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng nhằm hội nhập với các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bài viết liên quan