19/07/2025

Tín chỉ carbon – đầu tư cho “tiền tệ xanh”

Cuộc chơi về tín chỉ carbon – “tiền tệ xanh” trong tương lai là cuộc chơi của Việt Nam với những lợi thế lớn.

Tại diễn đàn Netzero Việt Nam 2025: thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, bà Betty Palard – CEO công ty ESGs & Climate Consulting đã chia sẻ những quan điểms, góc nhìn về thị trường đặc biệt khi chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Bà Betty Palard – CEO công ty ESGs & Climate Consulting nhận định: cuộc chơi về tín chỉ carbon là của Việt Nam

Lợi thế đặc biệt

Khi nhìn vào bức tranh toàn cầu, bà Betty Palard nhận thấy rõ rằng, tín chỉ carbon đang dần trở thành một loại tiền tệ, một sản phẩm tài chính phái sinh đặc thù, giao thoa giữa 4 lĩnh vực tưởng chừng như ít khi gặp nhau. Đó là thiên nhiên, tài chính, tài sản quốc gia (đất đai) và chuyên môn, kiến thức, dữ liệu. Sự giao thoa này tạo ra một thị trường vừa đặc biệt vừa nhiều thách thức.

Đánh giá về những lợi thế của Việt Nam, CEO công ty ESGs & Climate Consulting đã khá tự tin nhận định: cuộc chơi về tín chỉ carbon là của Việt Nam. Trước hết, Việt Nam có một lợi thế rất lớn trong lĩnh vực này. Người Việt giỏi toán học – một yếu tố then chốt trong việc đo lường và xác minh tín chỉ carbon.

Bên cạnh đó, với đặc thù sống gần gũi với thiên nhiên từ lâu đã tạo nền tảng kiến thức tự nhiên cho người Việt mà nhiều quốc gia khác có thể phải nỗ lực hơn mới có được.

Ở góc nhìn khác xét về tính đặc thù, bà Betty Palard cho rằng, là quốc gia nông nghiệp với 92% nền tảng kinh tế đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng nghĩa với việc kịch bản phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ khác biệt so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, điều quan trọng được nữ CEO nhấn mạnh là không có việc “mua bán” tín chỉ carbon theo nghĩa thông thường. Thay vào đó là quan điểm cùng nhau đầu tư vào những dự án có khả năng phát sinh tín chỉ carbon, giống như một trái phiếu vậy. Quá trình đồng hành đầu tư phát triển các dự án có thể có 2 khả năng: tránh phát thải carbon thông qua nỗ lực bổ sung (tính bổ sung là yếu tố then chốt để tạo ra tín chỉ carbon) hoặc hấp thụ, lưu trữ carbon tại nơi tín chỉ này vốn thuộc về, tức là dưới đất.

Thông tin về 3 loại tín chỉ carbon trên thị trường là tín chỉ carbon trắng, tín chỉ carbon xanh lá cây và tín chỉ carbon xanh dương, bà Betty Palard phân tích cụ thể. Theo đó, tín chỉ carbon trắng xuất phát từ khả năng sáng tạo của con người thông qua các công nghệ tiên tiến để hút trực tiếp carbon từ khí quyển và lưu trữ trong nội thất hoặc các hình thức bền vững khác. Loại tín chỉ này dành cho những cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghệ cao.

Tín chỉ carbon xanh lá cây tương tự nhưng thay cho máy móc là cây xanh và carbon này được lưu trữ lâu dài dưới đất. Khả năng lưu trữ càng cao, tín chỉ carbon càng có giá trị. Theo bà Betty Palard, Việt Nam nên tập trung vào tín chỉ carbon này thông qua việc bảo tồn rừng, trồng cây và thực hiện các nỗ lực để tăng khả năng hấp thụ carbon của cây xanh và rừng.

Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia triển vọng nhất về tín chỉ carbon, trong đó ngành nông nghiệp tiên phong

Cuối cùng là tín chỉ carbon xanh dương, xuất phát từ khả năng hấp thụ carbon mạnh mẽ của nước. Tuy nhiên, hạn chế là đo lường lượng carbon được hấp thụ trong môi trường nước còn nhiều thách thức.

Cơ hội của Việt Nam

Từ những góc nhìn trên, bà Betty Palard cho rằng, thị trường tín chỉ carbon là sân chơi rộng mở, kêu gọi sự tham gia của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… theo khả năng. Không chỉ vậy, như đã đề cập đến ngã tư giữa kinh tế và thiên nhiên, vô hình chung sẽ kéo theo vấn đề tài chính.

Điều này dễ tạo ra băn khoăn: chúng ta đang làm kinh tế, bảo vệ thiên nhiên hay giải quyết các vấn đề tài chính? Vì vậy, cuộc chơi này còn đặc biệt và đòi hỏi sự sáng tạo cũng như sự đồng hành của tất cả mọi người.

Từ quan điểm cá nhân, thay vì tập trung vào câu chuyện làm kinh tế, bà Betty Palard muốn nhìn vào tín chỉ carbon dưới góc nhìn tài sản quốc gia. Cuộc chơi này có thể được xem là cuộc chơi của Việt Nam. Trước hết, trong câu chuyện kiểm kê phát thải và khả năng hấp thụ, nữ CEO tin tưởng trong thời gian tới, các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có khả năng tính toán.

Bởi đó là một bài toán không quá phức tạp – bà Betty Palard cho rằng, sẽ sớm có con số cụ thể trên cơ sở phát thải bao nhiêu trừ đi khả năng hấp thụ. Tuy nhiên, chuyên gia về tài chính khí hậu khuyến nghị, trong thời gian đó nên cẩn trọng kiểm kê và hạn chế giao dịch ở nước ngoài bởi trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần tín chỉ carbon để xuất khẩu.

Tuy nhiên, “tôi thường chia sẻ với các đối tác châu Âu rằng Việt Nam vẫn chưa có CBAM riêng. Vì vậy, thực hiện cơ chế CBAM, các ngành xi măng, thép… của Việt Nam có thể bị áp đặt hạn ngạch phát thải thì ngược lại, chúng ta cũng có thể áp đặt lại với mặt hàng ô tô hay các hàng hóa khác, đúng không? Các đối tác cũng phải minh bạch khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam” – bà Betty Palard bày tỏ quan điểm.

Về phát triển thị trường carbon, qua kinh nghiệm từ các thị trường đi trước, theo bà Betty Palard, Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi từ ba khu vực thị trường. Đó là khu vực thị trường châu Âu về vấn đề dữ liệu, sự minh bạch và mạnh mẽ; thị trường Hàn Quốc về việc mở cửa thị trường cho cả cộng đồng tham gia; và Trung Quốc về việc những phần phát thải lớn nhất cần có chính sách của nhà nước, những lĩnh vực còn lại nên để các doanh nghiệp tự tìm nhau.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Bài viết liên quan