Tin tức Hội viên – Tại “Hội thảo APEC về thực hiện nhãn sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới nền kinh tế xanh” diễn ra từ ngày 20-21/7 tại Hà Nội do Bộ Công Thương và APEC tổ chức, ông Nguyễn Lê Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển và thực hiện nhãn hàng sinh thái hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. An Phát Holdings là đại diện doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có bài tham luận tại Hội thảo và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự sự kiện.
Tham dự hội thảo có các đại diện đến từ các quốc gia thành viên APEC, đặc biệt có sự tham gia của Tiến sĩ Rajan Sudesh Ratna, Phó Trưởng phòng và Chuyên viên Kinh tế Cấp cao – đại diện của Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UN ESCAP). Về phía Việt Nam, hội thảo có sự tham dự của đại diện từ Bộ Công thương, Viện Chiến lược, chính sác tài nguyên và môi trường (ISPONRE) và VCCI.
Nội dung hội thảo tập trung thảo luận 2 vấn đề lớn: chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt trong việc phát triển và thực hiện nhãn hàng sinh thái; giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vượt qua các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để khuyến khích phát triển kinh tế xanh. Các chuyên gia cho rằng, nhãn sinh thái là một trong các biện pháp nhằm thông tin và giáo dục người tiêu dùng về các lợi thế môi trường của sản phẩm, đồng thời có thể tạo ra các áp lực đòi hỏi và khuyến khích đổi mới dẫn tới việc giảm các tác động môi trường trong sản xuất và tiêu thụ. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược sản xuất, tạo ra những sản phẩm xanh.
Là doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường, An Phát Holdings coi phát triển xanh, bền vững là mục tiêu chiến lược. Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Lê Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings đã chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc phát triển và thực hiện nhãn hàng sinh thái, cũng như những cơ hội và thách thức khi triển khai thực hiện nhãn hàng sinh thái trong quá trình hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh bền vững.
“Khi nói đến nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta sẽ nghĩ đến các sản phẩm được sản xuất, sau đó được sử dụng, được thu gom và tái chế. Tuy nhiên, đối với dòng sản phẩm phân hủy sinh học, chúng tôi hướng đến những mục tiêu lớn hơn trong nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, sản phẩm sau khi được tung ra thị trường, được người tiêu dùng sử dụng, cuối cùng nó sẽ trở thành một loại rác hữu cơ, có khả năng phân hủy sinh học. Nó sẽ trở thành mùn hữu cơ, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, sau đó, cây trồng lại trở thành vật liệu để tạo ra các sản phẩm phân hủy sinh học. Chúng tôi gọi quá trình này giống như một nền kinh tế xanh”, ông Long chia sẻ.
Ông Long dẫn chứng, dòng sản phẩm chủ lực AnEco của An Phát Holdings đã đạt được nhiều chứng nhận Việt Nam và quốc tế uy tín về khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn như: TCVN 13114, TUV OK Compost HOME, TUV OK Compost INDUSTRIAL, BPI Compostable và DIN Certco Compostable, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, và không gây hại cho môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Long một trong những thách thức mà An Phát Holdings phải đối mặt khi sản xuất sản phẩm xanh đó là thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân. Hiện trên thị trường vẫn có nhầm lẫn giữa nhựa tự hủy OXO và nhựa phân hủy sinh học, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Do đó, An Phát Holdings hiện đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong xã hội về sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần thay đổi hành vi và thói quen mua sắm hướng đến nền kinh tế xanh.
Trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu toàn cầu, An Phát Holdings đã và đang đẩy mạnh mô hình sản xuất kinh doanh xanh, đồng thời mong muốn tạo lập một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Nguồn tin tham khảo: An Phát Holdings