Bạc Liêu lồng ghép mô hình kinh tế xanh vào phát triển năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản và du lịch, xây dựng mô hình bền vững, cải thiện đời sống người dân.
Tỉnh Bạc Liêu đã thành công trong việc lồng ghép các yếu tố xanh vào phát triển kinh tế địa phương, tạo ra những bước tiến đáng kể với ba trụ cột chính: năng lượng tái tạo, nuôi trồng, chế biến thủy sản và du lịch. Sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời không chỉ giúp Bạc Liêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra nguồn năng lượng sạch, ổn định cho cả khu vực.
Chuyển đổi năng lượng sạch chính là “chìa khóa” để phát triển bền vững
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Trưởng Ban Khoa học – Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã chia sẻ những thông tin quan trọng về vai trò của việc chuyển đổi năng lượng đối với thực trạng khí hậu hiện nay, ông cho biết: “Thời điểm hiện tại, việc phát xạ khí nhà kính diễn ra rất nhiều. Hậu quả của việc này là làm cho Trái đất dần nóng lên, gia tăng khí nhà kính chính là gia tăng nhiệt độ của Trái đất. Nghiêm trọng hơn hết, khi nhiệt độ Trái đất tăng, môi trường bị ảnh hưởng dẫn đến biến đổi khí hậu. Trên thực tế, toàn thế giới ngày nay đang tập trung giải quyết vấn đề này. Một trong những giải pháp cốt yếu để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng mang đến những tác động xấu chính là chuyển đổi năng lượng tự nhiên.”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống trên Trái Đất, chuyển đổi sang năng lượng sạch đã và đang trở thành một chiến lược quan trọng đối với các quốc gia trên toàn thế giới. Việc chuyển đổi này không chỉ là giải pháp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn là “chìa khóa” mở ra cánh cửa phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế.
Năng lượng sạch bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt và sinh khối. Khác với năng lượng hóa thạch, năng lượng sạch không gây ra ô nhiễm không khí, không thải ra các khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2 và có thể tái tạo vô tận. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng lên môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến khí hậu toàn cầu.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và tiềm năng lớn về năng lượng gió, mặt trời, Việt Nam đang từng bước xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều dự án năng lượng mặt trời và điện gió đã được triển khai trên khắp cả nước, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững.
Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch
Với những bước tiến vượt bậc trong phát triển năng lượng tái tạo, Bạc Liêu đang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch hàng đầu của Việt Nam, mang lại cơ hội phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường cho khu vực.
Trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản, Bạc Liêu đã áp dụng các kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất và tăng cường quản lý chất lượng nước. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Nhờ đó, nông dân trong tỉnh đã có thể gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống và dần thoát khỏi cảnh nghèo.
Ngành du lịch cũng được định hướng phát triển theo hướng bền vững, khai thác các giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Bạc Liêu. Các khu du lịch sinh thái, điểm tham quan kết hợp với hoạt động cộng đồng đã thu hút ngày càng nhiều du khách, tạo thêm nhiều việc làm cũng như cơ hội kinh doanh cho người dân địa phương.
Lồng ghép xanh vào phát triển kinh tế không chỉ giúp Bạc Liêu trở thành một trong những địa phương tiên phong trong phát triển bền vững mà còn tạo ra những thay đổi tích cực, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Việc phát triển Bạc Liêu thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo hàng đầu của cả nước là một mục tiêu quan trọng được Chính phủ đặt ra trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021–2030, với tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bạc Liêu từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm muối, được nhiều người tiêu dùng cả nước biết đến, bên cạnh các địa phương khác như Ba Tri (Bến Tre), Cà Ná, Phương Cựu (Ninh Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và Diêm Điền (Thái Bình). Muối Bạc Liêu được tin dùng rộng rãi, không chỉ trong sản xuất mà còn là gia vị quen thuộc trong bữa ăn gia đình.
Tuy nhiên, cuộc sống của người dân tại đây còn gặp nhiều khó khăn. Giá muối thường ở mức thấp, trong khi công sức để sản xuất ra một ký muối là rất lớn. Muối thành phẩm đóng gói 0,5 kg chỉ có giá thị trường khoảng 5.000 đồng, trong khi muối nguyên liệu còn rẻ hơn. Thêm vào đó, người dân còn phải đối mặt với những biến đổi thất thường của thời tiết tại vùng duyên hải Tây Nam Bộ, làm cho nghề muối trở nên bấp bênh và khó khăn hơn.
Phát triển ngành năng lượng tái tạo không chỉ mở ra một hướng đi mới cho tỉnh Bạc Liêu mà còn hứa hẹn mang lại cơ hội cải thiện cuộc sống cho người dân, đặc biệt là những người làm nghề muối, bằng cách tạo ra thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập. Đồng thời, đây cũng là bước đi quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững cho địa phương.
Trong những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thành công 8 dự án điện gió với tổng công suất gần 500 MW như các dự án điện gió Bạc Liêu, Hòa Bình 1, Đông Hải 1, Đông Hải 2, LNG Bạc Liêu… Các dự án này đã hoàn thành đúng tiến độ và sử dụng nguồn lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ. Đặc biệt, hàng trăm hộ dân đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất đạt 3.366,4 kWp, đóng góp vào lưới điện quốc gia khoảng 1.182.331 kWh.
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), Bạc Liêu hiện dẫn đầu cả nước về sản lượng điện phát lên lưới với hơn 1 tỷ kWh từ đầu tháng 2/2020. Theo Quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh đến năm 2020 và có xét đến năm 2030, tổng công suất tiềm năng điện gió thương mại của Bạc Liêu có thể đạt hơn 2.507 MW, khẳng định ưu thế vượt trội của tỉnh trong phát triển năng lượng sạch so với các địa phương khác.
Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021–2030 và tầm nhìn đến 2050 đã đề ra mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế biển, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm và một trong những trung tâm sản xuất, xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, tỉnh đang đầu tư xây dựng nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu với công suất 3.200 MW, phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi cũng như thu hút đầu tư vào các nguồn năng lượng mới như hydro xanh và amoniac xanh.
Trong quá trình phát triển, Bạc Liêu chú trọng đến việc hài hòa giữa nghề làm muối, nuôi tôm và sản xuất điện sạch. Tỉnh đã chọn áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, chuyển đổi từ nuôi trồng nhỏ lẻ thủ công sang các trung tâm sản xuất công nghệ cao. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sử dụng ít nước mà còn mang lại lợi ích cho các ngành nghề khác. Người dân sản xuất lúa và tôm không sử dụng kháng sinh, các doanh nghiệp lớn đầu tư mạnh vào nuôi tôm công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Bạc Liêu, với định hướng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng và tham quan thắng cảnh. Tỉnh đang đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Các khu du lịch trọng điểm ven biển được phát triển với quy mô tương xứng với khu vực ĐBSCL và cả nước.
Hiện tại, Bạc Liêu có nhiều điểm đến nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước như khu sinh thái nông trại xanh, khu du lịch sinh thái Phương Nam, cánh đồng hoa Huỳnh, vườn dưa lưới Yến Nhi, khu sinh thái ven biển Nhà Mát Bạc Liêu, nông trại Tôm Khỏe, khu sinh thái Hương Rừng… Những điểm đến này không chỉ mang lại trải nghiệm du lịch độc đáo mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo tồn văn hóa, thiên nhiên.