04/05/2023

“Biến hóa” từ phế liệu trở thành sản phẩm nhiên liệu hữu ích

Sử dụng công nghệ nhiệt phân cao su vào dây chuyền sản xuất dầu FO-R tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi tỉnh Yên Bái, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, lượng cao su phế thải từ các lốp xe ngày càng nhiều, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây là một loại chất thải nguy hại nếu tiêu hủy bằng cách phát tán vào môi trường không khí.

Thành phẩm than sau khi chế xuất nhiệt phân – Nguồn: Nhân dân

Bên cạnh đó, các loại nhiên liệu xăng, than đá, dầu diesel… được dùng phục vụ quá trình sản xuất đều tăng giá nhanh chóng. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu đốt lò trong các lĩnh vực như: lò sấy, lò hơi, sản xuất kính, nung gốm sứ,… phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu rẻ hơn để tối ưu hiệu quả chi phí.

Ông Nguyễn Hữu Ký, Giám đốc Hợp tác xã cho biết qua tìm hiểu, dầu FO-R là sản phẩm chính trong quá trình sản xuất nhiên liệu từ cao su phế liệu theo công nghệ nhiệt phân. Dầu FO-R đạt tiêu chuẩn nhiên liệu đốt theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6239:2002.

Chất lượng theo nhiên liệu đốt của dầu này tương đương dầu Do (Diesel Oil) và tốt hơn dầu FO (Fuel Oils) thông thường, có nhiều chỉ tiêu của FO-R rất tốt như nhiệt lượng, điểm cháy cốc kín, nhiệt độ đông đặc,… nên hợp tác xã đã đi theo hướng sản xuất thân thiện, góp phần giảm rác thải là cao su ra môi trường.

Bể nước tuần hoàn làm mát nhiệt Nguồn: Nhân dân

Năm 2021, sau hai năm nghiên cứu và học tập kinh nghiệm từ các tỉnh đi trước, hợp tác xã đã đầu tư nhà máy sản xuất dầu FO-R có diện tích 10.000m2. Vốn đầu tư tới thời điểm hiện tại gần 100 tỷ đồng, được huy động từ các thành viên của hợp tác xã.

Công nghệ phân nhiệt không phát tán bụi ra môi trường, mùi hôi của cao su gần như được chăm sóc làm quá trình phân nhiệt cao su trong môi trường chân không. Quy trình sản xuất dầu FO-R là quy trình xử lý khép kín, sản phẩm đầu ra được sử dụng triệt để hoàn toàn, ngoài việc thu được lượng dầu sau hóa lọc thì than và sắt vụn lắng xuống sẽ được ép thành khối lớn.

Để khắc phục tình trạng có mùi khó chịu từ khí thải thừa, hợp tác xã Thắng Lợi đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng vào máy móc cải hoán khí, cơ chế của loại máy này là đưa khí gas vào bình nén, tuần hoàn trở lại làm chất đốt cho lò. Như vậy, các khí thải sẽ không phải đưa ra môi trường gây ô nhiễm.

Hiện nay, nhà máy đã cung cấp cho thị trường các sản phẩm là than, sắt, khí gas và chủ yếu là dầu FO-R khoảng 700 tấn/năm. Bảo đảm quyền lợi và chế độ cho gần 30 lao động với mức thu nhập từ 9 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng, hợp tác xã nộp thuế hơn 5,3 tỷ đồng.

Lò đốt phân nhiệt đang hoạt động Nguồn: Nhân Dân

Về việc đảm bảo an toàn lao động, hợp tác xã cũng đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động bằng điện và máy phát điện, xây dựng bể nước phòng cháy và tuần hoàn làm lạnh bằng nước. Người lao động trực tiếp tại xưởng cũng được tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy.

Nhà máy sản xuất dầu FO-R của hợp tác xã sử dụng công nghệ tiên tiến của Đức, các thành phẩm sau quá trình nhiệt phân cao su phế liệu được thị trường chấp nhận, có đến đâu tiêu thụ hết đến đó, đạt lợi nhuận theo dự án đề ra. Ngoài hiệu quả về kinh tế đã góp phần tái sinh các sản phẩm cao su từ lốp ô tô, xe máy cũ với số lượng lớn hơn hàng chục nghìn tấn/năm, tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội.

Ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Yên Bái đánh giá, là tỉnh miền núi còn khó khăn, hướng đầu tư như hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi là một điển hình mới của Yên Bái cần nhân rộng. Đó là sản xuất chế biến thân thiện môi trường, đời sống xã viên bảo đảm thu nhập ổn định, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, góp phần thúc đẩy các hợp tác xã của tỉnh ngày một đi lên.

Hải Ngọc

Bài viết liên quan