Một trong những vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu đó là việc biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mọi mặt của đời sống xã hội.
Phát triển bền vững là xu hướng được nhiều quốc gia hướng tới
Hiện nay, phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là vấn đề bức thiết, là xu hướng mà nhiều quốc gia – trong đó có Việt Nam hướng tới. Mặc dù thời gian qua Việt Nam đã có một số chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường, nhưng những chính sách, chương trình này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết về quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang lấy sản xuất, kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh, nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp.
Tuy vậy, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, còn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa dường như vẫn chưa thật sự dành sự quan tâm thích đáng, chưa có những chuyển biến rõ nét trong mục tiêu Net Zero.
Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù 68% số doanh nghiệp cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu nhưng chỉ có 31,8% số doanh nghiệp tư nhân trong nước hiểu rõ các quy định môi trường. Các vấn đề nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về kinh tế xanh vẫn khá mới mẻ khi có 44% số doanh nghiệp trong nước và 38% số doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường.
Đáng chú ý, có 91% số doanh nghiệp cho rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương, còn tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, chính họ cũng cần có trách nhiệm lại thấp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các dự án về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững chủ yếu phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, nhưng lại chỉ tập trung chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nên nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, công nghệ môi trường trong thời gian qua rất hạn chế, chưa có nhiều các hỗ trợ kỹ thuật, trực tiếp tới từng doanh nghiệp.
Cần tìm ra cơ chế, chính sách ưu đãi thực sự thiết thực
Phát triển bền vững là nhu cầu cấp thiết và tất yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh người tiêu dùng đang rất quan tâm đến phát triển bền vững và có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Xét trên bình diện tổng thể chung của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn có nhiều thách thức cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Theo Báo cáo “Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh” do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện và trình Chính phủ cuối tháng 7/2024, kết quả khảo sát diện rộng từ 2.734 doanh nghiệp cho thấy trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với 3 khó khăn lớn nhất là: nguồn vốn để thực hiện; nhân sự có chuyên môn và các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp…
Đây là những rào cản cần được gỡ bỏ để khơi thông con đường chuyển đổi xanh, phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Một số doanh nghiệp cho biết, những khó khăn như thiếu hụt về kinh nghiệm, nguồn lực tài chính còn mỏng, thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… khiến doanh nghiệp nhỏ thường không mấy mặn mà với thực hành phát triển bền vững theo chuẩn ESG.
Hơn nữa, mặc dù nhà nước có đưa ra được các chính sách kết hợp khung tiêu chuẩn nhưng người tiêu dùng không có nhu cầu, không thể chi trả cho việc “ăn sạch – mặc sang” sẽ khiến nhiều doanh nghiệp không dám “hô khẩu hiệu” xanh hoá, phát triển sản phẩm tuần hoàn, bền vững. Hơn nữa, hành lang pháp lý trong nước còn hạn chế. Ngoài ra, cũng chưa có chính sách, quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay ESG. Các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon… vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế.
Ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Trong hành trình hướng tới Net Zero, bên cạnh sự dẫn dắt, định hướng của cơ quan chức năng, sự sáng tạo, tham gia mạnh mẽ và thúc đẩy sự chuyển đổi trong cộng động doanh nghiệp là rất quan trọng. Điều này thể hiện qua việc thay đổi nhận thức; thay đổi mô hình kinh doanh và lan toả lối sống xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Lê Việt Anh cho rằng, hiện nay mô hình kinh doanh truyền thống, kinh doanh vị lợi nhuận (business as usual) đã không còn là một lựa chọn tối ưu. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần chuyển đổi sang kinh doanh “vị tự nhiên” (nature positive business). Theo đó, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn cân bằng đa dạng sinh thái… là những hướng đi tiên tiến của doanh nghiệp kinh doanh “vị tự nhiên”.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam nhấn mạnh, phát triển bền vững và lợi nhuận tựa như hai mặt của một đồng xu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên coi đầu tư phát triển bền vững là chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận, vì thực hiện phát triển bền vững đúng cách, về lâu dài, doanh nghiệp sẽ gia tăng lợi nhuận. Trên cơ sở đó, muốn theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần được định hướng ngay từ cấp lãnh đạo cao nhất.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Trà My – đồng sáng lập và là CEO tập đoàn PAN cho rằng, mấu chốt để thực hiện thành công phát triển bền vững là ý chí và quyết tâm của người đứng đầu. Khi đội ngũ lãnh đạo – đầu tàu hiểu được vai trò và tầm quan trọng của phát triển bền vững thì mọi việc mới thông.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cùng chung quan điểm rằng, cần cấy “gen” phát triển bền vững trong suy nghĩ của cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như cụ thể hoá mục tiêu này bằng nhiều hoạt động thiết thực và sáng tạo.
Từ những hạn chế nêu trên, để loại bỏ các rào cản trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp cho rằng cần thể chế hóa các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đối với các lĩnh vực kinh tế. Qua đó giúp các doanh nghiệp, cơ quan chức năng xây dựng chương trình đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chính phủ cũng cần sớm có những chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh, đặc biệt, phải tuyên truyền về lợi ích mang lại thường lớn hơn khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đầu tư và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Tránh để việc phát triển bền vững chỉ mang tính chất phong trào, cần phải có những định hướng cụ thể để các doanh nghiệp nhìn nhau và bắt nhịp phát triển theo.
Với những khó khăn, thách thức lớn vừa qua, phát triển xanh và bền vững được đánh giá sẽ là một trong những hướng đi tất yếu mà Việt Nam phải theo đuổi. Mặc dù con đường tiến tới “nền kinh tế xanh” đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do thiếu hụt về nguồn lực cả con người và tài chính, tuy nhiên, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của Ðảng, Chính phủ về phát triển kinh tế xanh cùng sự quyết tâm cao của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ từng bước tạo ra xu thế phát triển bền vững, dần có những bước chuyển biến cơ bản về cả nhận thức và hành động. Từ đó, giúp Việt Nam có một nền tảng để bứt tốc trong việc thực hiện mục tiêu cam kết Net Zero vào năm 2050, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.