Vốn xanh cho doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (chuyển đổi kép) khá dồi dào nhưng chưa được giải ngân nhiều do thiếu hành lang pháp lý.
Trao đổi với DOANH NHÂN, ông Vũ Minh Tiến – thành viên Hội đồng Quản trị VIAD Group cho biết: thực hiện chuyển đổi kép, doanh nghiệp hướng đến 3 trụ cột cốt lõi của kinh doanh vị tự nhiên, phát triển bền vững. Đó là, tăng trưởng bền vững; tăng khả năng chống chịu đến từ những biến động địa chính trị, hàng rào thuế quan…; giảm phát thải và tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên.
– Xanh và số đang trở thành xu hướng tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quá trình chuyển đổi này đang diễn ra thế nào tại doanh nghiệp, thưa ông?
Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã rất quan tâm và có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi kép. Tuy nhiên, qua quá trình tư vấn, chúng tôi nhận thấy đang có khoảng cách giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng trong chuyển đổi kép.
Nhiều doanh nghiệp hiện còn mơ hồ, chưa hiểu về chuyển đổi kép hay xác định vấn đề nào cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi trước… Doanh nghiệp chưa mặn mà thực hiện chuyển đổi kép cũng có lẽ bởi áp lực chi phí đầu tư. Đặc thù doanh nghiệp Việt Nam có đến 90% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ nên không dễ thực hiện và tiếp cận các nguồn lực. Trong khi đó, các quy định được xây dựng dường như mới chỉ cho doanh nghiệp lớn thích nghi quy định của quốc tế. Dù chúng ta đã có quy định, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện quá trình này nhưng để tiếp cận được các nguồn lực lại là cả vấn đề. Theo tôi, đây là điểm thiếu trong hoạch định chính sách và là bài toán cần tháo gỡ.
– Những điểm thiếu cụ thể mà ông vừa đề cập là gì?
Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu đã nêu rõ, tài chính xanh (tài chính khí hậu) là một trong 3 điều kiện quan trọng để thực hiện giảm phát thải và chuyển đổi xanh. Dựa trên thoả thuận Paris và cam kết khí hậu trước đó, trên thế giới đã có nhiều quỹ, nguồn tài trợ đa phương tập trung hỗ trợ các quốc gia thực hiện chuyển đổi kép. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận những gói tài chính thiết thực đó.
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là thiếu hành lang pháp lý để thống nhất về cách hiểu, thẩm định tiêu chuẩn, đánh giá dự án xanh, dự án có thể cấp tín dụng xanh. Điều này dẫn đến tình trạng, doanh nghiệp cho rằng dự án này là xanh, nhưng các ngân hàng, tổ chức tín dụng lại phản hồi là không xanh khiến cả doanh nghiệp lẫn tổ chức tín dụng bối rối khi áp dụng.
Để khắc phục những vấn đề này, một số tổ chức tài chính đã áp dụng những quy định quốc tế. Ví dụ, SeaBank áp dụng quy chuẩn tương tự như Indonesia, phát hành trái phiếu xanh. BIDV bắt đầu có những khoản tiền gửi đầu tiên mang tên là tiền gửi xanh.
Rõ ràng, đầu vào đã có, còn đầu ra của tín dụng xanh, rất cần cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm thúc đẩy hành lang chính sách, cơ chế hiệu quả để cùng nhìn, cùng đánh giá đảm bảo khi xây dựng chính sách không có độ trễ, kịp thời đưa vào cuộc sống, giải ngân các khoản tín dụng xanh đang chờ nhà đầu tư.
– Trong những chuyển động chính sách nhằm khơi dòng vốn xanh, Việt Nam dự kiến thí điểm vận hành thị trường tín chỉ carbon vào năm 2025. Ông đánh giá thế nào về những nguồn lực tài chính được huy động từ thị trường đặc thù này?
Những năm gần đây, tín chỉ carbon được nhắc đến rất nhiều. Theo thoả thuận Paris, tín chỉ carbon là tài sản của mỗi quốc gia, vì thoả thuận Paris chỉ cho phép các nước phát triển và đang phát triển hợp tác với nhau để giảm khí thải. Từ đó, các nước phát thải nhiều cần bắt tay với các nước phát thải ít hơn, để cùng nhau xây dựng thị trường thông qua giao dịch tín chỉ carbon.
Với Việt Nam, đây là “tài sản” rất tiềm năng mang lại nguồn lực tài chính khí hậu cho nền kinh tế, thậm chí có trở thành tài nguyên quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành cùng nhau xây dựng thị trường carbon hoàn chỉnh để Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tín chỉ carbon quốc tế vào năm 2028 và thực hiện vận hành thí điểm vào năm 2025. Thông qua thị trường tín chỉ carbon sẽ phát huy tiềm lực về tài nguyên, thiên nhiên, nguồn lao động, quản trị và giảm khí thải.
Chúng tôi mong muốn có hành lang pháp lý rõ ràng, khả thi cho thị trường này để Việt Nam có thể hội nhập với thế giới. Từ nay đến thời điểm vận hành thị trường carbon không còn nhiều. Trong quá trình chờ đợi, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị chiến lược cụ thể để không bỏ lỡ cơ hội khai thác nguồn lực tài chính xanh ổn định và lâu dài.
– Trân trọng cảm ơn ông!