Chiếm số lượng lớn trong các loài thực vật tại rừng ngập mặn Cà Mau, cây đước không những góp phần tạo nên sự đa dạng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn mà còn là dũng sĩ bảo vệ bờ biển tại mũi đất này.
Rừng ngập mặn Cà Mau có một thảm thực vật rất phong phú và đa dạng với nhiều loài cây như: mắm, vẹt, bần, dá, su, cóc, chà là, dương xỉ, dây leo… Nhưng phổ biến và chiếm nhiều diện tích nhất trong rừng là cây đước, vì vậy rừng ngập mặn Cà Mau còn có tên gọi khác là rừng đước.
Tại đây, cây đước được ví như vệ sĩ bảo vệ bờ biển, hỗ trợ trong việc phòng hộ, phục hồi các rừng ven biển ở Cà Mau, bảo vệ vùng bờ biển khỏi tình trạng xâm thực mặn, đồng thời chắn gió bão.
Cây đước thích hợp được trồng nhất trên vùng có đất bùn mịn, vùng nước mặn, nước lợ gần các cửa sông, cửa biển. Đước là loài thực vật ưa những nơi có khí hậu nóng ẩm. Vì vậy, Việt Nam trở thành một nơi ở lý tưởng cho đước với vị trí địa lý nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa.
Đước được phân bố dọc từ miền trung đến đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nhiều nhất vẫn là ở Cà Mau.
Cây đước có tên khoa học là Rhizophora apiculata Blume thuộc họ Rhizophoraceae. Trong dân gian, đước được người dân Việt gọi với nhiều cái tên khác nhau như vẹt, đước xanh, sú…
Cây đước thường mọc trên khu vực đất bùn nhão hoặc dạng đất mới được định hình ở các cửa sông. Thế nên, muốn trụ vững trên nền đất bùn nhão, quanh năm bị ngập bởi thủy triều cây cần phát triển hệ thống rễ chống đặc biệt.
Nhìn vào sẽ thấy, đước có bộ rễ có bề ngoài khá nổi trội, to hơn so với thân. Rễ đước được chia làm hai phần là rễ cọc và rễ phụ (rễ chống).
Rễ cọc ít phát triển nên khá nhỏ, cắm thẳng xuống bùn. Còn rễ phụ lại phát triển thành chùm vững chắc, mọc xung quanh gốc cây, bám chặt xuống bề mặt.
Bên cạnh chức năng chống đỡ, rễ phụ còn có nhiệm vụ hút nước và chất dinh dưỡng từ đất.
Thân cây đước là thân gỗ, thẳng, tròn, có màu nâu xám với đường kính 30 – 45cm, và chiều cao trung bình 20 – 35m.
Lá đước có dáng hình mác, màu xanh, gốc hình nêm, đầu hình elip, lá bẹ thường rụng sớm.
Cây đước sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, sau 2 năm tuổi thì bắt đầu có hoa và kết quả. Vào mùa trong khoảng từ tháng 10 – 12 hàng năm, quả đước có dạng hình trụ dài, màu nâu lục nhạt, chỉ chứa 1 hạt. Khi già, quả sẽ tự rụng rồi gieo mình thẳng xuống lớp bùn rồi nhanh chóng nảy mầm.
Một điều thú vị của đước là một khi đã cây đã mọc thành rừng thì không thể trồng thêm một loại cây nào khác xen kẽ vào được.
Điều này gợi đến hình ảnh kiên cường, bất khuất và tinh thần đoàn kết của dân tộc ta. Và đúng như điểm đặc biệt này, rừng đước cũng đã từng tham gia vào cuộc chiến với Mỹ. Rừng đước đã che chở, bảo bọc và cùng các chiến sĩ chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, giữ lấy độc lập dân tộc.
Hiện tại, đước và một số loài thực vật khác đã và đang tạo nên một hệ sinh thái đặc biệt – hệ sinh thái rừng ngập mặn nhiệt đới.
Nhờ vậy, lớp bùn nhão ngày một được bồi đắp và nâng cao dần, diện tích đất biển cũng ngày càng được mở rộng thêm. Được biết, mỗi năm rừng đước, rừng ngập mặn cùng phù sa đã giúp bồi đắp lấn biển thêm 50-80m cho nước ta.
Ngọc Thiện