24/11/2023

Chặn hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đang rất phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn.

Cơ quan chức năng kiểm tra một kho tập kết hàng kinh doanh onlineNguồn: Tổng cục QLTT.

Mới đây, đội quản lý thị trường (QLTT) số 9 – Cục QLTT Hà Nội kiểm tra kho hàng tại đội 9, thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) đã phát hiện 28.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ tiện ích cá nhân… không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa lưu trữ tại kho ước tính hơn 1 tỷ đồng. Qua khai thác, được biết toàn bộ số hàng trong kho đều được phân phối bán hàng online trên sàn TMĐT.

Hiện có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến TMĐT, điển hình là bán hàng giả, hàng nhái của các nhãn hàng lớn. Các loại hàng giả chủ yếu là: Túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm…Các sản phẩm này chủ yếu được sản xuất tại nước ngoài nhập lậu về Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên TMĐT rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian… nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định, hàng giả, hàng vi phạm trên mạng “có từ gói thuốc lào đến bao diêm Thống Nhất”. Cơ quan quản lý biết là hàng hóa vi phạm nhưng để xử lý thì không dễ dàng.

Theo ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, TMĐT phát triển đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, thời gian gần đây, mạng xã hội Tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân ở các địa phương vẫn hằng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, vẫn còn tâm lý “ngại” xử lý đối với các vụ vi phạm TMĐT ngay tại lực lượng cơ sở, bởi mất thời gian và dễ bị khiếu kiện vì người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung, chứng cứ một cách nhanh chóng.

Đáng chú ý, đặc trưng riêng của TMĐT là có bên thứ ba, là các công ty chuyển phát, khác hẳn với thương mại truyền thống là “tiền trao cháo múc” nên theo quy định, xe chuyển phát đã kẹp chì không được mở niêm phong. Thế nên dù có xác định được phương tiện chở hàng cấm, hàng lậu, hàng giả cũng khó xử lý ngay.

Nhiều vụ việc lực lượng QLTT buộc phải theo xe chuyển phát đến sân bưu cục mới ập vào kiểm tra. “99% các công ty chuyển phát giờ đây đang sống bằng vận chuyển, mua bán online. Mà có 60% doanh nghiệp bán hàng là ở nước ngoài, vận chuyển cũng từ nước ngoài nên rất khó xử lý” – ông Linh cho biết.

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong TMĐT” do Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) tổ chức mới đây, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực TMĐT cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, các sàn TMĐT cần xây dựng cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ thông tin, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn.

“Theo ông Phạm Công Hải – Phó Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả trên không gian mạng đều gắn chặt với thanh toán điện tử. Do vậy, cần thu thập thông tin tài liệu về tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản tiền ảo, tiền kỹ thuật số… từ đó phối hợp với ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để xác minh, làm rõ chủ tài khoản, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng để làm được điều này cần sự chung tay của các sàn TMĐT.

Theo Báo Đại đoàn kết

Bài viết liên quan