Đối với doanh nghiệp và tổ chức, sử dụng chứng chỉ bù đắp carbon sẽ là một trong những con đường nhanh nhất để cắt giảm lượng khí thải nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.
Trong những năm gần đây, cắt giảm khí thải nhà kính, cắt giảm carbon đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mỗi doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ. Nó không còn dựa trên sự tự nguyện nữa, mà đã trở thành trách nhiệm xã hội. Song song với áp lực về kinh tế, việc cắt giảm khí thải nhà kính đối với các doanh nghiệp sẽ là một trở ngại lớn. Vì thế, chứng chỉ bù đắp carbon đã ra đời để giúp giải quyết vấn đề này.
Chứng chỉ bù đắp carbon là gì?
Chứng chỉ bù đắp carbon (Carbon offset certificate) là chứng nhận biểu thị lượng khí thải carbon không phát thải ra khỏi bất kỳ dự án nào. Mỗi chứng chỉ riêng lẻ sẽ tương ứng với một tấn khí thải carbon hoặc khí nhà kính nói chung giảm được. Chứng chỉ này được sử dụng để bù đắp cho lượng khí thải nhà kính mà con người đã tạo ra. Vì thế, nó còn có tên gọi khác là giấy chứng nhận bù đắp carbon.
Để có được chứng chỉ bù đắp carbon, doanh nghiệp phải hỗ trợ các hoạt động giảm hoặc khử khí thải nhà kính. Nếu một doanh nghiệp thải ra một tấn carbon, họ có thể mua chứng chỉ bù đắp carbon để trung hòa được lượng carbon đã thải ra.
Hiện nay trên thế giới có nhiều loại chứng chỉ bù đắp carbon thuộc các hãng khác nhau như Verified Carbon Standard (VCS), Gold Standard hay Climate Action Reserve (CAR). Trong số này, VCS là chứng chỉ được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Chứng chỉ Gold Standard tập trung vào các dự án mang lại lợi ích cho cộng động và phát triển bền vững thì chứng chỉ CAR lại được sử dụng nhiều tại Mỹ và Canada. Mỗi loại chứng chỉ đều sở hữu những thế mạnh riêng nên tùy theo mục đích sử dụng các doanh nghiệp sẽ lựa chọn loại chứng chỉ phù hợp.
Tại Việt Nam hiện nay cũng đã có 2 loại chứng chỉ đạt tiêu chuẩn là CCB và CDM. Chứng chỉ CCB được cấp cho các dự án bù đắp carbon theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng lại phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Còn chứng chỉ CDM lại được cấp cho các dự án cơ chế phát triển sạch theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Mặc dù cùng là khái niệm liên quan nhưng chứng chỉ bù đắp carbon lại khác so với tín chỉ carbon – khái niệm đang là chủ đề cấp thiết tại Việt Nam hiện nay. Trong khi tín chỉ carbon là giấy phép phát thải khí carbon hoặc khí nhà kính; thì chứng chỉ bù đắp carbon là giấy phép dùng để bù đắp cho lượng khí thải mà doanh nghiệp đã thải ra. Mặc dù cùng đều phục vụ cho hoạt động cắt giảm carbon nhưng mỗi khái niệm lại được sử dụng với cách thưc khác nhau.
Cần mua chứng chỉ bù đắp carbon để làm gì?
Trong bối cảnh cả thế giới đang hướng tới mục tiêu Net Zero – Phát thải ròng bằng 0 thì việc mua bán chứng chỉ bù đắp carbon là rất cần thiết.
Trung hòa được carbon
Trước tiên, doanh nghiệp có thể cân bằng được lượng carbon họ đã thải ra hoặc không giảm được. Trên lý thuyết, các doanh nghiệp cắt giảm được lượng khí thải nhà kính vẫn là điều lý tưởng nhất nhưng không phải là việc khả thi. Do đó, chứng chỉ bù đắp carbon vẫn là phương án dễ dàng nhất với các doanh nghiệp.
Ưu đãi về kinh tế khi giảm phát thải
Doanh nghiệp có thể hưởng lợi ích kinh tế khi sử hữu chứng chỉ bù đắp carbon. Tại một số quốc gia và khu vực, doanh nghiệp sở hữu chứng chỉ này có thể nhận được ưu đãi về kinh tế như giảm thuế hay hỗ trợ tài chính. Đây chính là động lực kinh tế để các doanh nghiệp giảm lượng khí thải carbon.
Mang ý nghĩa đối với xã hội
Sử dụng chứng chỉ bù đắp carbon cũng là một cách góp phần bảo vệ môi trường và thể hiện trách nhiệm xã hội. Đây là hành động thiết thực để giảm lượng khí nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu và gìn giữ hành tinh cho thế hệ mai sau. Hiện nay những doanh nghiệp đi theo hướng phát triển xanh cũng đều nhận được thiện cảm của khách hàng, từ đó có thể nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Tổng hợp: Drax, VRE