Trong bối cảnh hiện nay, cùng những diễn biến phức tạp trên thị trường Logistics toàn cầu, yêu cầu đặt ra cho ngành đó là xu hướng chuyển đổi xanh.
Thời gian qua, ngành Logistics Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng từ 13 – 15%/năm. Logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Trong bối cảnh hiện nay, cùng những diễn biến phức tạp trên thị trường Logistics toàn cầu, yêu cầu đặt ra cho ngành đó là xu hướng chuyển đổi xanh.
Chuyển đổi xanh rất quan trọng đối với các hoạt động logistics nói riêng và các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu nói chung. Phát triển chuỗi cung ứng xanh cũng chính là sự thay đổi cần thiết, gắn liền với cam kết của Chính phủ Việt Nam về hành trình tiến tới Net Zero được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu COP26.
Tuy nhiên, theo ông Mai Trần Thuật, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á, khó khăn khi thực hiện logistics xanh là vấn đề đầu tư cho công nghệ, xanh hoá bao bì đóng gói, kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm khí nhà kính, giảm rác thải ra môi trường… Những yêu cầu này đòi hỏi cần nguồn tài chính rất lớn trong khi doanh nghiệp hạn chế về vốn.
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại, xanh hóa ngành logistics đang trở thành yêu cầu bắt buộc của các doanh nghiệp trước yêu cầu ngày càng cao của các thị trường, đòi hỏi xanh hóa cả chuỗi cung ứng.
Vì thế để chuyển đổi xanh trong hoạt động logistics, bà Trần Thị Thu Hương cho rằng: “Bản thân các doanh nghiệp cần phải thay đổi từ nhận thức tư duy, đến hành động. Phải xây dựng chiến lược phát triển xanh để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính của Việt Nam, cũng cần phải triển khai các biện pháp xanh hóa từng hoạt động dịch vụ từ kho bãi như thay thế hệ thống nguồn điện năng sang các nguồn điện năng thân thiện hơn với môi trường.
Đối với những chính sách của Nhà nước để khuyến khích phát triển xanh, các doanh nghiệp cũng cần tranh thủ các chính sách này để khắc phục những hạn chế nguồn lực tài chính để có thể xanh hóa các hoạt động của mình, qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường”.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài việc các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về logistics xanh, thay đổi tư duy và áp dụng các phương thức chuyển đổi xanh trong các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, qua đó giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động…
Đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý cũng cần tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Qua đó góp phần nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp logistics trong bối cảnh mới.