Các doanh nghiệp, chuyên gia kỳ vọng trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đầu tư hạ tầng, thúc đẩy nhanh kế hoạch xây dựng những siêu cảng trung chuyển như cảng Cần Giờ, nhằm thu hút nguồn hàng từ nhiều quốc gia. Lợi thế về cảng biển sẽ tạo cơ hội cho TP.HCM phát triển mạnh và đồng bộ dịch vụ logistics…
Hội nghị thường niên về vận tải logistics toàn cầu lần thứ 22, do Hiệp hội Vận chuyển Hàng dự án Quốc tế (WWPC) tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vừa diễn ra tại TP.HCM, đã thu hút hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp đến từ 60 nước trong lĩnh vực giao nhận, vận tải hàng hải, hàng siêu trường, siêu trọng.
Sự kiện lần này tập trung vào cơ hội đầu tư, phát triển logistics tại Việt Nam. Theo đánh giá của WWPC, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang có điều kiện chính trị và kinh tế thuận lợi, chi phí sản xuất cạnh tranh và lực lượng lao động trẻ nên nhận được sự quan tâm từ nhiều quốc gia, trong nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ và xe điện,… Đây chính là cơ hội để phát triển logistics.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Hội nghị là cơ hội lớn để TP.HCM và các tỉnh lân cận quảng bá môi trường đầu tư để đưa các tập đoàn, công ty hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực logistics vào đầu tư tại Việt Nam. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam, TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai chủ trương đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển mạnh mẽ, trên cơ sở đó sẽ thu hút được nguồn hàng, nguồn đầu tư từ những doanh nghiệp trên thế giới, thúc đẩy ngành logistics phát triển và vươn tầm.
Theo đánh giá của WWPC, Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển vận tải biển, nhất là vận tải hàng siêu trường, siêu trọng. Xét về vị trí địa lý, TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung, nằm ở khu vực lợi thế, nơi trung chuyển hàng hóa từ các khu vực, phù hợp với loại hàng siêu trường, siêu trọng lên đến hàng nghìn tấn.
Ông Wolfgang Karau, Chủ tịch WWPC nhấn mạnh hàng năm, WWPC tổ chức hội nghị ở mỗi quốc gia khác nhau. Năm nay, lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải hàng hải trên toàn thế giới sẽ nhận biết được sự phát triển và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực hàng siêu trường, siêu trọng tại Việt Nam. Gần đây, Việt Nam đang phát triển và có kế hoạch xây dựng nhiều cảng biển mang tầm quốc tế. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận chuyển những kiện hàng lớn phục vụ cho ngành công nghiệp.
Cùng nhận định như WWPC rằng Việt Nam và TP.HCM có lợi thế nằm ở khu vực trung chuyển hàng hóa từ các nơi trên thế giới, phù hợp với vận tải hàng siêu trường siêu trọng lên đến hàng nghìn tấn, ông Huỳnh Vi Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ Á Mỹ, cũng đồng thời thừa nhận nhiều tồn tại như cơ sở hạ tầng đường sá còn hạn chế, cảng biển chưa phát triển đúng với tiềm năng… Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trong thời gian tới, cảng biển Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh nguồn hàng siêu trường, siêu trọng với những quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Indonesia,…
Cũng theo ông Phúc, các doanh nghiệp, chuyên gia kỳ vọng trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đầu tư hạ tầng, thúc đẩy nhanh kế hoạch xây dựng những siêu cảng trung chuyển như cảng Cần Giờ, nhằm thu hút nguồn hàng từ nhiều quốc gia. Ông cho biết thêm đến nay, Chính phủ Việt Nam liên tục cải cách và đơn giản hóa thủ tục với hàng hóa xuất nhập khẩu để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án về hạ tầng ra, vào cảng biển được một số hãng tàu lớn như BBC Chartering Wallenius Wilhelmsen, Air Canada Cargo,… quan tâm.
Trước đó, tại Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA World Congress – FWC) diễn ra từ 23 – 27/9/2024 tại Panama, ban tổ chức đã chính thức trao quyền tổ chức FWC-2025 cho Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Đại diện VLA đã nhận quyền trượng từ chủ tịch FIATA để tổ chức FWC-2025 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 06 – 10/10/2025. Chủ đề của FWC-2025 là “Logistics xanh và thích ứng nhanh” với các cuộc thảo luận quan trọng về tương lai của ngành logistics trong một thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình.
Việc FWC-2025 sẽ được tổ chức tại Hà Nội nói lên rằng Việt Nam không chỉ là điểm đến cho doanh nghiệp logistics, mà còn là nơi các cơ hội nảy nở, các nền văn hóa kết nối nhằm hướng đến một tương lai tươi sáng hơn, bền vững hơn được xây dựng, như cam kết của Chủ tịch VLA Đào Trọng Khoa nhân dịp đón nhận quyền trượng tổ chức FWC-2025: “Tính bền vững là ưu tiên cốt lõi của Việt Nam. Cam kết của chúng tôi về một tương lai không phát thải ròng đã được thể hiện trong cam kết tại COP26, và chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực xây dựng một nền kinh tế vừa xanh vừa bền vững”.