07/10/2024

Công bố sổ tay ESG: Tận dụng cơ hội để kiến tạo và bảo vệ giá trị dài hạn cho doanh nghiệp

Sổ tay ESG đưa ra các đề xuất, khuyến nghị liên quan đến khí hậu để các doanh nghiệp cân nhắc khi xác định phương án ứng phó với các rủi ro và cơ hội về khí hậu trọng yếu đang dần hiện hữu.

Sổ tay ESG là sản phẩm đầu tiên của Dự án “Thúc đẩy tài chính xanh thông qua cải thiện hoạt động công bố thông tin rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu” thuộc phạm vi Chương trình Hợp tác Thúc đẩy chuyển dịch vì khí hậu (UK PACT), Quỹ Green Recovery Challenge Fund, với sự phối hợp từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Ông Fergus McBean – Đại sứ quán Anh tại Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc ưu tiên triển khai ESG của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, việc các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tích hợp ESG vào chiến lược và đầu tư, sẽ đảm bảo đáp ứng tốt hơn các yêu cầu từ các thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Vương quốc Anh và châu Âu, từ đó, đem lại những lợi ích đáng kể.

Ông Fergus McBean – Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Với việc đầu tư ESG gia tăng nhanh chóng, có thể xem như một công cụ để xây dựng khả năng ứng phó và giảm nhẹ rủi ro trong các khoản đầu tư. Song hành với báo cáo phi tài chính, báo cáo ESG đã hỗ trợ các nhà đầu tư phát hiện những rủi ro tiềm tàng trên khía cạnh môi trường và xã hội mà trước đây không được xem xét qua các cơ chế truyền thống.

Ông Michael Digregorio, Trưởng đại diện Quỹ Châu Á Việt Nam nhận định về sự gia tăng của các rủi ro liên quan đến khí hậu đối với các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu, bao gồm các tổ chức tài chính. Những rủi ro này bao gồm các rủi ro vật lý – như bão Yagi, và các rủi ro chuyển đổi như thuế carbon ngày càng tăng hoặc chi phí điều chỉnh biên giới carbon. Bên cạnh đó, ông Michael cho rằng, doanh nghiệp cũng nên tận dụng cơ hội như các khoản vay liên quan tới bền vững với lãi suất thấp hơn.

Việc triển khai và nâng cao chất lượng công tác công bố thông tin ESG là cơ hội để doanh nghiệp truyền thông và chứng minh về hiệu quả và tác động về môi trường, xã hội và quản trị của các dự án và hoạt động vận hành kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, EY Việt Nam – đơn vị triển khai phụ trách kỹ thuật của Sổ tay ESG, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội về ESG để kiến tạo và bảo vệ giá trị dài hạn cho doanh nghiệp và các bên liên quan. Thông qua phát triển bền vững, doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường mới và mở rộng thị trường hiện có, tận dụng xu hướng tiêu dùng hướng tới phát triển bền vững, đồng thời, tối ưu hóa chi phí nhờ giảm thiểu các tác động về môi trường và xã hội và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Sổ tay ESG đưa ra các đề xuất, khuyến nghị liên quan đến khí hậu để các doanh nghiệp cân nhắc khi xác định phương án ứng phó với các rủi ro và cơ hội về khí hậu trọng yếu đang dần hiện hữu; góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực công bố thông tin phát triển bền vững, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp lý và thông lệ hàng đầu trong nước và quốc tế.

Dự án “Thúc đẩy tài chính xanh thông qua cải thiện hoạt động công bố thông tin rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu” thuộc phạm vi Chương trình Hợp tác Thúc đẩy chuyển dịch vì khí hậu (UK PACT), Quỹ Green Recovery Challenge Fund, với sự phối hợp từ UBCKNN.

Dự án được triển khai nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính bền vững.

Khuôn khổ dự án cũng đảm bảo nhất quán với hiệp định giữa Việt Nam – Vương quốc Anh về hợp tác triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và các hiệp định và hiệp ước về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Quỹ Châu Á (The Asia Foundation), phối hợp cùng EY Việt Nam đã được lựa chọn là Đơn vị triển khai cho toàn bộ phạm vi công việc của dự án trong khuôn khổ Chương trình UK PACT.

Dự án được thực hiện nhằm hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các-bon thấp và PTBV tại Việt Nam, góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính bền vững của doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực hoạch định chính sách. Các bên thụ hưởng chính của Dự án sẽ được cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực. Các bên thụ hưởng thứ cấp của Dự án có thêm cơ hội về đầu tư có trách nhiệm.

Theo Kinh tế Môi trường.

Bài viết liên quan