Tỉnh Đắk Lắk có nhiều tiềm năng về phát triển tín chỉ carbon ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Đây sẽ là nguồn lợi đáng kể cho việc phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa tiềm năng, tận dụng hiệu quả cơ hội của ngành hàng này.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 600.000 hec-ta đất nông nghiệp và hơn 700.000 hec-ta đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng đạt hơn 38%. Các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp đang thể hiện vai trò là trợ lực để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình phát triển nông lâm nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Với lợi thế này, nhiều tổ chức quốc tế về sản xuất nông nghiệp xanh đã chọn Đắk Lắk là điểm đến để hợp tác và đầu tư. Trong đó, có tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) với chương trình “Cảnh quan bền vững” thực hiện trên vùng trồng hơn 23.000 hec-ta cà phê tại huyện Krông Năng và huyện Cư Mgar.
Bà Phan Thị Vân, Giám đốc chương trình đánh giá, tỉnh Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển thị trường carbon từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp. “Xuyên suốt từ năm 2016 đến nay, IDH vẫn liên tục duy trì hệ thống trồng xen hợp lý, cây đa tầng tán và đa chức năng để có thể đảm bảo giảm phát thải. Đến năm 2025, chúng tôi phấn đấu giảm được 50% diện tích cà phê được xác nhận là sản xuất có trách nhiệm và 80% sản lượng cà phê đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Trong đó mục tiêu về giảm phát thải cũng như giảm carbon là 1 trong những vấn đề trọng tâm thực hiện trong vùng cảnh quan bền vững”.
Theo Tiến sĩ Phạm Công Trí, Chuyên gia cảnh quan bền vững, thời gian qua, Đắk Lắk đã áp dụng nhiều giải pháp quan trọng để quản lý tài nguyên, sản xuất có chứng nhận tín chỉ carbon và bảo vệ môi trường. Rõ nhất là diện tích cây công nghiệp chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, cao su đạt các chứng nhận GlobalGAP, Rainforest, Fair Trade, UTZ, 4C… ngày càng nhiều. Cùng với đó là sự quan tâm đầu tư của tỉnh khi dành nguồn lực cho những nghiên cứu về tín chỉ carbon đang góp phần quan trọng làm cơ sở để địa phương có thể ứng dụng trong xây dựng, phát triển nền nông, lâm nghiệp bền vững trong tương lai.
Tiến sĩ Phạm Công Trí cho rằng: “Những chuẩn bị cho thị trường carbon thì Đắk Lắk là một trong những địa phương tiên phong. Đắk Lắk có Trường Đại học Tây Nguyên với những chuyên gia hàng đầu về carbon và những nghiên cứu, những chuẩn bị trong thị trường carbon của Đắk Lắk rất sát và luôn luôn là nghiên cứu tiên phong. Chúng tôi cho rằng Đắk Lắk có nhiều triển vọng để đóng góp và tham gia vào thị trường tín chỉ carbon và thị trường về ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Từ cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26, Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này tạo động lực lớn để các địa phương, trong đó có Đắk Lắk nỗ lực xây dựng các thị trường carbon. Mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án “Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia REDD+ tại tỉnh Đắk Lắk”.
Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, việc thúc đẩy ngành hàng carbon không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần cải thiện chất lượng sống của cộng đồng địa phương. Thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp giảm phát thải, bảo vệ tài nguyên rừng và hệ sinh thái, tiết kiệm năng lượng, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của việc bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững.
“Nâng cao nhận thức từ tỉnh đến huyện, đến cơ sở và các cơ quan có liên quan có những biện pháp trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp để giảm khí thải thông qua thông qua tín chỉ carbon theo lộ trình trung ương đã cam kết đối với các nước trong COP26”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nói.
Phát triển ngành hàng carbon không chỉ là cơ hội mà còn là hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững của Đắk Lắk. Với tiềm năng từ tài nguyên rừng, sự kết hợp giữa nông nghiệp và năng lượng tái tạo, cùng sự hỗ trợ từ chính quyền và cộng đồng, Đắk Lắk đang nỗ lực trở thành điểm sáng trong thị trường carbon Việt Nam. Đây là cơ hội để địa phương không chỉ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải mà còn phát triển kinh tế xanh, bền vững.